Dữ liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 14 dự án đăng ký mới và 3 dự án đăng ký tăng vốn. Trong đó, đầu tư nước ngoài có 7 dự án, với tổng số vốn đăng ký 318 triệu USD.
Tổng số dự án trên địa bàn huyện luỹ kế đến tháng 5/2022 là 1.257 dự án. Trong đó, đầu tư nước ngoài đạt 215 dự án với tổng vốn đăng ký 4,646 tỷ USD.
Với số vốn luỹ kế này, FDI tại địa bàn huyện Bàu Bàng đang cao hơn 43 tỉnh trên cả nước, trong đó có Bạc Liêu (4,551 tỷ USD); Khánh Hòa (4,395 tỷ USD); Thừa Thiên Huế (4,066 tỷ USD); Bình Phước (3,845 tỷ USD); Bình Thuận (3,835 tỷ USD); Nam Định (3,673 tỷ USD); Tiền Giang (2,909 tỷ USD); Cần Thơ (2,054 tỷ USD); Phú Yên (2,035 tỷ USD); Quảng Ngãi (2,031 tỷ USD)…
Ngay từ khi thành lập, huyện Bàu Bàng đã quy hoạch các hạng mục quan trọng trên địa bàn nhằm tạo bước đột phá mới. Trong đó, dự án đầu tiên và quan trọng nhất là Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng, với tổng diện tích hơn 2.100ha (mở rộng thêm gần 1.000ha) được hình thành vào năm 2016.
Ngoài ra, KCN Bàu Bàng còn có lợi thế từ vị trí giao thông thuận lợi như nằm trên tuyến Quốc lộ 13, thuộc vùng cửa ngõ giao thương quan trọng giữa miền Đông Nam bộ và Tây nguyên. Với mục tiêu, phát triển thành trung tâm công nghiệp lớn mạnh ở phía bắc của tỉnh, huyện Bàu Bàng hiện đang là điểm đến hấp dẫn, thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước.
Huyện Bàu Bàng đang tập trung cho mục tiêu phát triển, trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị phía bắc của tỉnh. Theo đó, huyện đã quy hoạch, xây dựng các KCN có vị trí giao thông rất thuận lợi, tạo bước chuyển biến căn bản trong thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực, khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế.
Hiện nay, huyện Bàu Bàng có các KCN Bàu Bàng, Cây Trường, Lai Hưng, Tân Bình đã được đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động, là điểm nhấn để phát triển. Hoạt động của các KCN đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của huyện với giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 18 - 20%. Trong những tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2021.
Bình Dương hiện cũng đang dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2022, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,53 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 98,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực giúp Bình Dương thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 22 dự án đầu tư đăng ký mới, 10 lượt dự án điều chỉnh vốn và 43 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư là 1,545 triệu USD, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 964 triệu USD, chiếm 38,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,5 triệu USD, chiếm 0,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương. Đan Mạch đứng đầu với với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,318 tỷ USD, chiếm 52,2% tổng vốn đầu tư; Hà Lan đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 608 triệu USD, chiếm 24,1% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 257 triệu USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư; tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc),...
Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước (sau TP. HCM) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 4.053 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 39,55 tỷ USD, chiếm hơn 9,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước. Quy mô trung bình dự án khoảng 9,8 triệu USD.