Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) mới nhất của Knight Frank dự báo lượng dân số siêu giàu toàn cầu sẽ tăng thêm 28% trong giai đoạn 2021-2026, trong đó châu Á và châu Đại Dương có mức tăng trưởng cao nhất (33%), kế tiếp là Bắc Mỹ (28%) và Mỹ Latin (26%).
Được biết, với những người siêu giàu, khoản tiêu dùng lớn nhất của nhóm này chủ yếu được chi cho mua sắm bất động sản. Ngoài ra, ô tô, đồng hồ hàng hiệu và rượu vang là những khoản tiêu dùng phổ biến với giới siêu giàu.
Đáng chú ý, năm 2021 là năm mà các khoản đầu tư tiền điện tử trở thành xu hướng chủ đạo. Cụ thể, khoảng 18% người thuộc giới siêu giàu hiện sở hữu một loại tiền điện tử hoặc token; 11% người siêu giàu đã đầu tư vào NFT.
Báo cáo cho biết, các loại tài sản mới như NFT (tài sản kỹ thuật số không thể thay thế) đã ghi nhận mức tăng đáng kể trong khối tài sản của giới siêu giàu. Theo đó, tổng giá trị của loại tài sản này do các nhà đấu giá bán được cùng giao dịch trên nền tảng số ghi nhận con số vượt 81,3 tỷ USD.
Thực tế, NFT có thể ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống từ nghệ thuật, giải trí cho đến kinh doanh, giáo dục. Từ đó, nhà đầu tư cũng có nhiều sự lựa chọn khi kiếm tiền dựa trên công nghệ này.
Phổ biến nhất có thể kể đến việc kiếm tiền từ việc phát hành, mua bán các tác phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm nghệ thuật, tranh, bài hát kỹ thuật số là một trong những NFT phổ biến và có giá trị lợi nhuận cao nhất được tạo ra cho đến thời điểm hiện tại. Theo Crypto Potato, NFT đắt giá nhất hiện nay là The Merge - tác phẩm hội họa kỹ thuật số được tạo bởi một họa sĩ ẩn danh có tên Pak và được bán ngày 6/12/2021 với giá 91,8 triệu USD.
Vậy NFT được tạo ra như thế nào?
NFT (Non-Fungible Token) là các vật phẩm kỹ thuật số duy nhất có các chứng nhận về tính xác thực và quyền sở hữu được đăng ký trên chuỗi khối (blockchain). NFT không thể làm giả, "độc nhất vô nhị" và không thể thay thế cho nhau.
Để tạo NFT, trước tiên, người tạo phải chọn một nền tảng blockchain để "mã hóa" tài sản kỹ thuật số của mình. Hiện tại, Ethereum là một trong những lựa chọn phổ biến nhất để mã hóa NFT. Nhưng tạo NFT không miễn phí, cụ thể, người tạo phải trả một số khoản phí nhất định để đăng ký thông tin NFT trên nền tảng blockchain (được gọi là đúc tiền).
Theo CoinDesk, OpenSea là nền tảng phổ biến và dễ sử dụng cho các loại NFT. Trên chuỗi khối Ethereum, người dùng phải trả phí gas cao. Với OpenSea, nhà sáng tạo có thể đúc tác phẩm NFT và đăng bán trực tiếp trên nền tảng này. OpenSea sẽ thu phí người mua khi giao dịch hoàn tất.
Theo mô tả, người dùng cần kết nối ví tiền số với nền tảng, chọn mục tạo NFT và tải tệp lên. Nhà sáng tạo cần đặt tên, nhập các thông tin liên quan và chọn blockchain trước khi đúc. Sau đó, hoàn tất quá trình tạo token bằng cách click chuột vào ô đồng ý. Sau khoảng 5 phút, người dùng có thể tạo thành công một NFT cho bản thân.
Binance, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới cũng cung cấp chức năng tạo NFT. Các thao tác để tạo một token không thể thay thế trên Binance tương tự việc đăng tải hình ảnh, một đoạn phim hay tệp âm thanh lên mạng xã hội.
Sau khi NFT được bán, người mua và nhà đầu tư NFT có thể mua nó như một tài sản kỹ thuật số ban đầu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ sẽ là người sở hữu nó - chỉ là những người sở hữu tệp gốc thay vì bản sao. Do đó, sẽ không có đặc quyền bản quyền đối với NFT. Việc sở hữu NFT cung cấp cho người mua quyền sở hữu NFT, không phải công việc ban đầu mà nó dựa trên. Ngoài ra, bất kỳ ai cũng có thể xem NFT miễn phí.