Rất nhiều hướng dẫn viên (HDV) du lịch lẫn sinh viên (SV) học các ngành liên quan đến HDV đang “ngồi trên đống lửa” vì lo không được hành nghề sau khi ra trường.
Bằng đại học vô giá trị
Bạn NMT, SV Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn (SaigonACT), kể đã tốt nghiệp ngành Việt Nam học chuyên ngành hướng dẫn. Mới đây, khi làm hồ sơ cấp thẻ HDV, Sở Du lịch TP.HCM cho biết không thể thẩm định hồ sơ cấp thẻ này vì trên bằng tốt nghiệp không thể hiện học chuyên ngành hướng dẫn dù bảng điểm có ghi rõ học chuyên ngành này.
“Chúng tôi phải làm theo Công văn số 120 ban hành ngày 8-2-2018 của Tổng cục Du lịch” - đại diện Sở Du lịch TP.HCM giải thích.
Theo bạn H., ngành Việt Nam học ở trường có đào tạo nghiệp vụ HDV du lịch, SV học đến ba tín chỉ và thi tốt nghiệp cũng có môn này. “Tôi thi tốt nghiệp được 9 điểm, rất háo hức đến ngày 30-4 tới đây có thể đi làm chính thức. Với quy định mới này, chỉ vì bằng tốt nghiệp không ghi chữ HDV mà tôi không được cấp thẻ. Tôi thấy buồn và đang chờ đợi cơ quan chức năng tháo gỡ nhưng không biết rồi sẽ ra sao” - T. buồn bã nói.
Bạn Nguyên học Trường ĐH Văn hóa TP.HCM ngành Việt Nam học khóa 2008-2012 cũng chung tâm trạng. Nguyên cho hay từ khi ra trường làm HDV cho đến nay. Mới đây, khi đi đổi thẻ thì được Sở Du lịch TP.HCM yêu cầu phải làm hồ sơ như xin cấp thẻ HDV lần đầu. Khi nộp hồ sơ mới té ngửa biết mình không đủ điều kiện.
Một HDV đang dẫn đoàn khách tham quan chùa Phước Hải, quận 1, TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN
“Do trên bằng tốt nghiệp ĐH của tôi ghi là ngành Việt Nam học dù trên bảng điểm tốt nghiệp ghi rõ: Lớp ĐH Văn hóa du lịch 3 - chuyên ngành HDV. Trong đó có điểm cụ thể các môn học nghiệp vụ HDV du lịch” - Nguyên nói.
Bạn Nguyên cho rằng với quy định mới của ngành du lịch, bằng ĐH không có giá trị gì chỉ vì không có chữ HDV. Trong khi những người học trung cấp nghiệp vụ du lịch lại được cấp thẻ HDV.
“Không chỉ riêng tôi đang phải gánh chịu sự bất hợp lý này mà nhiều bạn khác dù học bốn năm bài bản về HDV du lịch nhưng đi xin cấp thẻ HDV cũng không được” - Nguyên bức xúc.
Nhiều SV cũng cho hay họ được Sở Du lịch TP.HCM hướng dẫn muốn đủ điều kiện cấp thẻ theo quy định mới thì phải học thêm một khóa nghiệp vụ ba tháng. Khóa học này học các môn như địa lý du lịch, nghệ thuật thuyết trình…
“Đây là những môn chúng tôi đã học ở trường rồi. Tại sao lại bắt chúng tôi phải học lại mới được cấp thẻ? Điều này là quá phi lý và lạ lùng. Mặt khác, chứng chỉ của lớp nghiệp vụ chỉ có giá trị trong khoảng hai năm, sau đó nó thành vô dụng” - anh Tuấn, một HDV du lịch, nói.
Các trường đại học bối rối
Liên quan đến việc HDV, SV gặp khó khi làm hồ sơ cấp thẻ HDV, ThS Mai Đức Sang, Phó khoa Du lịch Trường SaigonACT, cho biết: Hiện trường có ba ngành đang bị ảnh hưởng bởi Công văn số 120 của Tổng cục Du lịch là quản trị lữ hành, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Việt Nam học.
Với tất cả ngành này, SV đều được đào tạo nghiệp vụ HDV. Trong bảng điểm cũng thể hiện rất rõ vấn đề này nhưng trên bằng tốt nghiệp không ghi nên SV đang gặp khó khăn.
“SV cho biết hiện nay cơ quan quản lý không cấp thẻ HDV dựa trên bảng điểm nữa mà chỉ dựa trên bằng tốt nghiệp. Điều này là chưa hợp lý vì theo quy định của Bộ GD&ĐT, trên bằng tốt nghiệp chỉ ghi ngành đào tạo chứ không ghi chuyên ngành” - ThS Sang nói.
Ông Sang cũng cho hay trước đây cơ quan quản lý đã chấp nhận bảng điểm là điều kiện để cấp thẻ. Do vậy hiện nay ngành du lịch cũng nên thực hiện như vậy để không ảnh hưởng đến công việc của SV sau khi ra trường.
Phân tích rõ hơn, ông Mai Hà Phương, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, nói Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH xây dựng chương trình đào tạo ngành Việt Nam học theo các chuyên ngành khác, trong đó có du lịch. Trong chương trình khung giáo dục ĐH, ngành Việt Nam học về chuyên môn sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại và thiết thực về Việt Nam học hoặc trở thành HDV cho ngành du lịch… Trường căn cứ vào các quy định của Bộ GD&ĐT để mở ngành đào tạo.
Chúng tôi cho rằng SV của tất cả khóa đào tạo ngành Việt Nam học chuyên ngành HDV du lịch của trường sau khi tốt nghiệp đều đủ điều kiện về chuyên môn để cấp thẻ HDV. Ông MAI HÀ PHƯƠNG, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Văn hóa TP.HCM |
Mặt khác, trong tất cả thông tư ban hành danh mục mã ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ từ năm 2010 đến 2017, khi ngành du lịch chính thức có mã ngành riêng thì ngành HDV du lịch không có. Không chỉ vậy, theo Quyết định số 33 năm 2007 của Bộ GD&ĐT về quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân quy định rõ: Trên văn bằng tốt nghiệp từ trung cấp đến ĐH chỉ ghi tên ngành đào tạo - ghi đúng theo danh mục ngành đào tạo theo quy định hiện hành của Nhà nước chứ không ghi tên chuyên ngành.
“Như vậy, quy định mới của ngành du lịch không chỉ làm cho SV hoang mang mà các trường ĐH trên cả nước đang đào tạo ngành này cũng rất lo lắng. Trong khi việc tuyển sinh các khóa học và thực hiện quy chế tuyển sinh đúng với quy chế đào tạo hiện hành của Bộ GD&ĐT” - ông Phương nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết: Tổng cục sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT tìm cách xử lý theo hướng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các trường, SV đang gặp phải liên quan đến việc cấp thẻ HDV.
Trực tiếp tác động đến đào tạo
Công văn số 120 ban hành ngày 8-2-2018 của Tổng cục Du lịch hướng dẫn triển khai Luật Du lịch 2017 nêu rõ: Việc thẩm định hồ sơ để cấp thẻ HDV chỉdựa vào văn bằng, không thẩm định bảng điểm (dù trước đây việc cấp thẻ vẫn dựa vào tiêu chí này - PV).
Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, bằng tốt nghiệp chỉ ghi ngành đào tạo nên không có bằng nào ghi chuyên ngành HDV. Chính vì vậy, một số chuyên gia và lãnh đạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho rằng việc ban hành Công văn số 120 của Tổng cục Du lịch đã trực tiếp tác động đến hoạt động đào tạo theo chuyên ngành hướng dẫn du lịch hợp pháp theo quy định của Bộ GD&ĐT từ năm học 2017-2018 trở về trước.