Đã mở hơn 30 năm, quán phở Sướng của con cháu cụ Tỵ - chủ gánh "phở cụ Tàu áo xanh" vẫn mang hương vị gia truyền, níu chân thực khách.
Nhà văn Thạch Lam từng viết trong cuốn Hà Nội băm sáu phố phường: "Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon".
Nhiều người nói đùa, "ở Hà Nội, bước ra khỏi nhà là thấy quán phở" bởi món ăn này quá phổ biến ở đây. Thế nhưng, không phải quán phở nào cũng được lòng thực khách, trở thành một trong những cái tên "đại diện" cho phở Hà Nội.
Nằm ở khu vực phố cổ Hà Nội, nếu không phải quán phở thực sự ngon, chất lượng thì khó mà tồn tại nhiều năm. Với thực khách Thủ đô, có một địa chỉ phở được nhiều người yêu thích, đó là phở Sướng.
Xuất hiện tại Hà Nội từ những năm 1930 nhưng phở Sướng chưa có tên thương hiệu như bây giờ. Ngày ấy, cụ Nguyễn Văn Tỵ - "cha đẻ" của tiệm phở gia truyền này vẫn thường gánh hàng rong, mang phở đi bán khắp khu phố cổ. Gánh phở cụ Tỵ ngày ấy là món quà ưa thích của nhiều người dân phố cổ. Cụ Tỵ hay mặc chiếc áo xanh, nên mọi người ưu ái gọi gánh phở của cụ bằng cái tên "phở cụ Tàu áo xanh".
Sau này, gánh phở cụ Tỵ gián đoạn vì chiến tranh. Mãi cho tới những năm 1986, 1987, những người con của cụ Tỵ mới quyết định gây dựng lại nghề Phở gia truyền. Cửa hàng đầu tiên được mở ra ở ngõ Trung Yên, phố Đinh Liệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Ngà - con gái út cụ Tỵ: "Các anh tôi đặt tên phở Sướng mang hàm ý, khách ăn xong thì cảm thấy sung sướng, thỏa mãn, hài lòng".
Sau khi cửa hàng đầu tiên ra đời tại ngõ Trung Yên, phở Sướng đã có cơ sở thứ hai tại đường Trần Quý Cáp (hiện đã chuyển về đường Nguyên Hồng) và cơ sở thứ 3 tại Mai Hắc Đế. Mỗi cơ sở đều do con cháu trong gia đình cụ Tỵ trực tiếp làm chủ.
Bà Ngà - con gái út cụ Tỵ hiện đang quản lý cơ sở phở Sướng ở ngõ Trung Yên. Hễ ai hỏi về phở gia đình, bà đều tự hào chia sẻ: "Sinh ra và lớn lên trong hương vị phở của gia đình mà bao năm qua tôi vẫn nghiện ăn phở. Trước đây thỉnh thoảng tôi cũng thử phở tại các thương hiệu khác nhau nhưng tôi vẫn mê nhất món phở gia đình, đúng hương vị cha để lại".
"Tôi ở Hàng Chiếu, cách đây không xa. Tôi ăn ở đây từ khi quán mới mở. Không phải ngày nào cũng ăn phở nhưng lâu nay, cứ thèm phở tôi lại đến phở Sướng. Nhiều quán khác, sau nhiều năm thì hương vị thay đổi, chất lượng thay đổi, riêng ở đây mọi thứ vẫn vậy. Ăn xong bát phở - vẫn thấy sướng", một vị khách quen của quán chia sẻ.
Theo chia sẻ của bà Ngà, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, quán còn thường xuyên đón thực khách quốc tế - nhất là du khách Hàn Quốc, Nhật Bản sang du lịch, làm việc.
Kinh doanh khá phát đạt, nhưng sau hơn 30 năm, phở Sướng vẫn chỉ duy trì 3 cơ sở mà không mở rộng thành chuỗi. Gia đình bà Ngà cho rằng, thay vì mở nhiều cơ sở, chất lượng và bảo hộ thương hiệu mới là vấn đề quan trọng nhất.
(Theo Dân Trí)