Là chủ trại dế Thanh Tùng, anh Lê ThanhTùng có thâm niên hơn chục năm gắn bó với nghề nuôi côn trùng, trong đó có con cà cuống thơm lừng. Ảnh Nguyên Vỹ
Bắt đầu từ mô hình nuôi dế, rồi bọ cạp, sau thấy giá cà cuống lên cao mà nguồn cà cuống ngoài tự nhiên không còn nên anh Lê Thanh Tùng bắt đầu nhân nuôi đàn cà cuống thương phẩm. Anh Lê Thanh Tùng cho hay, từ 5 con cà cuống ban đầu bắt được ngoài đồng đem về làm giống, hiện nay anh chăn nuôi ổn định 5.000 con cà cuống trong trại.
Cà cuống là giống côn trùng sinh sản tốt, phát triển nhanh. Từ lúc còn là con non, chừng 2,5 tháng là trưởng thành và có thể đẻ trứng. Ảnh: Nguyên Vỹ
Cận cảnh 1 con cà cuống lột bỏ xác để trưởng thành bắt từ trại nuôi côn trùng của anh Lê Thanh Tùng. Ảnh: Nguyên Vỹ
Anh Lê Thanh Tùng chia sẻ, cà cuống là loài động vật dễ nuôi vì chúng ăn tạp đủ các loại động vật nhỏ, côn trùng khác. Theo anh Tùng, khâu chăn nuôi cà cuống quan trọng nhất là tính toán chủ động nguồn thức ăn. Tại trại nuôi của mình, anh Tùng có khu vực nuôi dế và ao nuôi cá kế bên để làm mồi nuôi cà cuống...
Cà cuống có đặc tính bắt rồi dùng vòi chích hút dinh dưỡng từ con mồi để chuyển hóa thành dưỡng chất nuôi lớn cơ thể. Ảnh: Nguyên Vỹ
Về cách nuôi cà cuống, anh Lê Thanh Tùng cho hay, phải tạo ra không gian phù hợp, tránh tình trạng nuôi nhiều cà cuống trong cùng bể sẽ dẫn đến tình trạng cà cuống tự ăn thịt nhau khi đói hoặc phát triển không tốt trong môi trường chật hẹp.
Khi còn non, cà cuống giống như con gián, mình dài khoảng 2 – 3 cm. Ảnh: Nguyên Vỹ
Cà cuống có đầu nhỏ với hai mắt tròn và to, miệng là một ngòi nhọn hút dinh dưỡng từ con mồi, có 6 chân dài, khỏe. Ảnh: Nguyên Vỹ
Cà cuống rất ít thịt. Bộ phận giá trị nhất trên cơ thể cà cuống là túi tinh dầu nằm trong ngực. Hương vị khi nướng cà cuống thơm lừng cũng xuất phát từ túi tinh dầu này. Nhu cầu dùng sử dụng, chế biến cà cuống rất đa dạng, nhưng phổ biến nhất là làm nước mắm, nước chấm. Ngoài tự nhiên, cà cuống không còn nhiều nên giá bán cà cuống nuôi rất cao.
Anh Lê Thanh Tùng cho biết, sau 5 lần lột xác, cà cuống trưởng thành và hoàn thiện bộ cánh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Hiện anh Tùng vẫn duy trì ổn định đàn cà cuống khoảng 5.000 con. Mỗi ngày anh chỉ bán 30 con cà cuống thương phẩm, giá từ 55.000 – 60.000 đồng/con. Cùng với tiền bán cà cuống giống 300.000 đồng/con, trung bình mỗi ngày, anh kiếm trên dưới 2 triệu đồng từ trang trại cà cuống.
Anh Tùng tự nuôi thêm các loại khác như dế, cá...dùng làm thức ăn cho cà cuống. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo anh Lê Thanh Tùng, nhiều nơi bán mắm, nước chấm nói là cà cuống nhưng lại không có con cà cuống bên trong nên không chắc chắn là nước mắm, nước chấm cà cuống thật. Mắm cà cuống chỉ có một cách làm truyền thống. Đó là chỉ cần nướng hoặc luộc chín con cà cuống rồi đem ủ trong nước mắm, nước chấm.
Tinh dầu cà cuống nhẹ hơn nước, cho thoảng ra một mùi thơm đặc biệt kích thích vị giác của thực khách. Ảnh: Nguyên Vỹ
Nước mắm cà cuống được anh Lê Thanh Tùng mang ra phân tích chuyện thật-giả. Ảnh: Nguyên Vỹ
“Sau khi ngâm cà cuống đã nướng hoặc luộc chín vào chai nước mắm khoảng 6 - 8 tháng, khui nắp chai sẽ thấy có hương thơm nhẹ. Tùy khẩu vị của mỗi người mà dằm nát mạnh hay nhẹ túi tinh dầu con vật ra rồi thưởng thức”, anh Lê Thanh Tùng chia sẻ.