Men theo con đường xanh mát chạy dọc bờ kênh Phù Dật, cách Quốc lộ 91 khoảng 500m, đúng với cái tên “làng chuột”, khi vào địa phận ngôi làng, chỉ trên đoạn đường khoảng 300m, dọc theo bờ kênh đã thấy rất nhiều chiếc lồng chứa chuột bày biện, ngay cả người chưa từng đến ngôi làng này cũng dễ dàng nhận ra đây chính là “làng chuột” nổi danh.
Chuột được người "làng chuột" Phù Dật làm sạch sẽ giao đi các chợ.
“Làng chuột” Phù Dật ra đời cách nay đã mấy mươi năm, nghề làm chuột truyền đến đời con, đời cháu, nên hầu hết những người trong làng đều không biết cái tên “làng chuột” có từ khi nào. Qua lời kể của một số người cao niên, chúng tôi được biết trước năm 1975, nông dân nơi đây còn trồng lúa mùa, làm ruộng vất vả, mọi việc chăm sóc cây lúa đều cần đến sức người.
Do ruộng lúa thường xuyên bị chuột cắn phá, để bảo vệ mùa màng, hàng ngày bà con phải ra ruộng diệt chuột, có hôm bắt được nhiều chuột cả gia đình ăn không hết, vậy là nảy ra ý định làm chuột mang ra chợ bán. Thấy thịt chuột có thể kiếm được tiền, nhiều người trong làng cũng hành nghề làm chuột và số người theo nghề ngày càng tăng, có người còn tìm đến tận những cánh đồng xa để bắt chuột. Phong trào làm chuột có lẽ bắt đầu từ đó, cái tên chân quê, mộc mạc “làng chuột” cũng theo đó mà hình thành và được lưu giữ đến bây giờ.
Nghề săn bắt, sơ chế và buôn bán thịt chuột thu hút rất nhiều lao động nông nhàn của "làng chuột" Phù Dật. Ảnh: Zing.
Hiện nay, số hộ dân tham gia làm chuột tại làng Phù Dật không nhiều như xưa nhưng không khí “làng chuột” vẫn rất tất bật. Những tiếng lọc cọc phát ra từ dao, thớt, tiếng cười nói khi cùng nhau làm việc đã trở thành nhịp sống quen thuộc hàng ngày của người dân nơi đây.
Vừa nhanh tay chọn chuột từ những chiếc lồng sắt, anh Nguyễn Văn Lâm (ấp Bình Chiến) thật thà chia sẻ: “Nghề làm chuột “kiếm ăn” được nhất vào mùa khô, khoảng từ tháng 2 đến tháng 5 (âm lịch), khi đó chuột hút hàng, bán rất “chạy”. Từ sau tháng 5 trở đi “chợ chuột” bắt đầu dội hàng nên người mua cũng “kêu” giá thấp hơn. Vì vậy, cùng với nghề làm chuột cần có thêm nghề khác để tăng thu nhập cho gia đình vào những tháng thịt chuột không chạy hàng”.
Bắt đầu với nghề làm chuột những năm gần đây, chị Nguyễn Thị Lý (ấp Bình Chiến) cho biết: “Mỗi ngày gia đình tôi cung cấp khoảng 100kg thịt chuột cho bạn hàng ở chợ Chắc Cà Đao (Châu Thành), sau khi trừ tiền vốn, tiền thuê lao động và phí vận chuyển, còn lời được vài trăm ngàn đồng, đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình và lo cho tụi nhỏ ăn học”.
Đối với phụ nữ các nơi, thấy con chuột đã sợ, huống hồ lại bắt tay vào làm thịt, nhưng phụ nữ của "làng chuột" Phù Dật thì những việc này bình thường. Ảnh: Zing.
Hàng năm vào mùa nước nổi, “làng chuột” Phù Dật hơi “lắng lại”, tuy nhiên, năm nay thịt chuột không dội chợ, nhu cầu tiêu thụ nhiều hơn mọi năm nên hoạt động của “làng chuột” vẫn nhộn nhịp. Hiện, mỗi ngày “làng chuột” Phù Dật tiêu thụ khoảng 3-4 tấn chuột sống, chuột được mua vào với giá từ 25.000 - 35.000 đồng (tùy kích cỡ), sau khi được làm sạch, thịt chuột bán giá 35.000 - 70.000 đồng.
Bên cạnh các hộ làm đơn lẻ, tại “làng chuột” Phù Dật còn có khoảng 10 vựa chuột, mỗi vựa có trên 10 lao động, mỗi lao động kiếm được khoảng 60.000 - 80.000 đồng/ngày, tùy công việc nhiều hay ít. Mỗi người mỗi việc được phân công cụ thể, đối với người dân “làng chuột” Phù Dật, từng công đoạn làm chuột đã trở thành công việc quen tay. Chị Trương Thị Lệ Mai (ấp Bình Chiến) chia sẻ: “Ngay từ nhỏ tôi đã thấy mọi người trong xóm làm chuột cho nên rất quen thuộc với công việc này, cũng nhờ có nó mà lao động nông nhàn ở địa phương có việc làm, kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí cho gia đình”.