Làm giàu ở cái nôi của loài ba ba gai
Tiếp chúng tôi trong căn nhà 3 tầng khang trang, rộng rãi, ông Bùi Huy Ngọc bồi hồi nhớ lại: “Khi mới chuyển từ dưới xuôi lên vùng Sông Mã này khai hoang, cuộc sống của tôi thiếu thốn đủ đường. Tôi phải đi vay vốn ngoài với lãi suất rất cao 7 – 10%/tháng. Vay được vốn, tôi mượn đất của anh trai ở gần nghĩa trang, mở lò gạch kinh doanh. Sau đó, tôi bị đuổi vì đất thuộc diện đã được quy hoạch. Mọi nỗ lực, cố gắng gây dựng lò gạch mấy năm trời của gia đình tôi coi như đổ xuống biển. Gia đình lại rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Tôi đành chấp nhận lặn lội lên vùng cao chở ngô, sắn đi bán, lấy tiền trả nợ.
Ông Bùi Huy Ngọc cho biết: "Đối với ba ba gai thương phẩm, mùa đông này một ngày chỉ nên cho ăn một lần vào lúc chập tối"
Một năm sau, gia đình ông Ngọc khôi phục lại lò gạch tại nơi ở mới. Trong khi đang ăn nên làm ra thì lại bị đuổi do khói bụi gây ô nhiễm môi trường. "Họ đuổi là đúng thôi, tôi không phàn nàn gì cả. Chỉ có thể tự trách bản thân chưa tìm được hướng đi đúng đắn” - ông Bùi Huy Ngọc tâm sự.
Cận cảnh con ba ba gai to gần bằng nửa thân người lớn
Ông Ngọc tự nhủ, đất đai miền núi rộng rãi bát ngát, sông có, suối có thế này mà vẫn nghèo thì "thực là tức quá đi". Nhận thấy, mảnh đất Sông Mã vốn là cái nôi của loài ba ba gai, ông Bùi Huy Ngọc mạnh dạn nhận đấu thầu khu đất trũng ở xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, rồi ông tìm đường lên huyện Sốp Cộp lùng mua, thu gom hơn trăm con giống ba ba gai về nuôi.
Ông Bùi Huy Ngọc cho biết, trứng ba ba gai thường nở vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm
Vài năm sau, thấy đàn ba ba gai sinh sôi, nảy nở rất nhanh. Mừng quá, từ chỗ chỉ hơn 10m2, ông Ngọc đầu tư mở rộng thêm diện tích chăn nuôi ba ba gai lên 1.000m2 và làm nơi ấp trứng cho ba ba. Rồi ông Ngọc nhân đàn ba ba gai lên dần dần, kinh tế gia đình ông bắt đầu dư ăn, dư tiêu từ đó...
Người nuôi ba ba gai khủng nhất Việt Nam
"Ba ba gai to rất nhiều nhưng chúng rất khôn và trú ở những nơi sâu nên rất khó bắt được. Khi có việc cần muốn bắt thì chủ yếu, chỉ bắt được những con từ 10 kg trở xuống" - ông Bùi Huy Ngọc cho hay.
Đến nay, với diện tích nuôi đàn ba ba gai rộng gần 1ha và hơn 10 năm nuôi ba ba gai, ông Ngọc cũng không biết mình đang có bao nhiêu con ba ba trong ao nữa. “Tôi đã bán rất nhiều rồi nên trong ao bây giờ số ba ba sinh sản và ba ba thương phẩm chắc chỉ còn khoảng 5 – 6 tấn thôi ! Ba ba giống thì tôi đang có hơn 1 vạn con. Đàn ba ba gai bố mẹ con to nhất bây giờ là hơn 30 kg, còn lại là từ 10 đến 20 kg đổ lại. Con to khôn lắm, toàn ở chỗ sâu, khó bắt ! Mùa hè thỉnh thoảng nhìn thấy nó ngoi lên mặt nước để ăn thôi...” – ông Ngọc tiết lộ.
Theo ông Ngọc, để ba ba gai sinh trưởng và phát triển tốt thì không phải ai cũng làm được. Không phải cứ có diện tích nhiều là nuôi được, cái quan trọng là nguồn nước phải sạch (nước chảy ra, chảy vào liên tục và có đường thoát nước); thức ăn cho ba ba gai phải đặt trên máng bê tông, cốt thép, tránh nước bị ô nhiễm... Làm như vậy mới nhận biết được ba ba ăn nhiều hay ít, hạn chế được thức ăn ôi thiu và lãng phí; phải xây bờ ao cao vì ban đêm ba ba gai hay bò ra ngoài để kiếm ăn.
Ông Bùi Huy Ngọc dễ dàng bắt được những con ba ba gai giống trong ao ương.
“Mỗi năm, tôi xuất bán gần 700kg ba ba gai thương phẩm, với giá 500.000/kg. Ngoài ra tôi còn bán khoảng 6.000 – 7.000 con ba ba gai giống, với giá 100.000 nghìn/con. Doanh thu hàng năm của tôi từ ao ba ba gai được từ 1 – 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, công chăm sóc, ít nhất cũng lãi được từ 600 – 700 triệu đồng” – ông Bùi Huy Ngọc tự tin cho biết.
Thức ăn chủ yếu của ba ba gai là cá đông lạnh, cá biển được xay nhuyễn rồi trộn cùng với cám để tạo độ dẻo bám được lên máng ăn.
Cũng theo ông Ngọc, đầu ra ba ba gai khá ổn định. Thương lái chủ yếu là từ Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương… lên mua. Khi đã có đầu ra ổn định thì nuôi ba ba gai không bao giờ sợ lỗ.
Từ người nông dân nghèo khó, nợ nần mà phất lên thành tỷ phú nhờ ba ba gai, năm 2011, ông Ngọc đã vinh dự được Bộ NN&PTNT tặng bằng khen. Hiện nay, ông Bùi Huy Ngọc cũng đang làm Chủ tịch Hội nuôi ba ba gai huyện Sông Mã. |