Mô hình trồng dưa chuột bằng giàn lưới, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động của anh Nguyễn Xuân Nam đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong khi giá một số loại rau, quả khác còn đang bấp bênh, đầu ra không ổn định, việc canh tác rất khó khăn do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết từ đầu năm đến nay thì mô hình trồng dưa chuột bằng giàn lưới, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động của anh Nguyễn Xuân Nam đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Xuân Nam ở thôn Bùng, xã Bình Dương (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) là một thương nhân kinh doanh xăng dầu nhưng lại có niềm đam mê sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và an toàn.
Năm 2019 anh thuê lại 7 ha đất do HTX dịch vụ Nông nghiệp thôn Gia Phú quản lý để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Ngay từ đầu anh tiến hành cải tạo khu, đào kênh mương tiêu thoát nước kết hợp thả cá và lắp đặt hệ thống bơm, tưới thoát nước tự động cho toàn bộ khu.
Mô hình trồng dưa chuột áp dụng công nghệ cao của anh Nam |
Qua chia sẻ của cán bộ khuyến nông cơ sở cùng với tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đầu năm 2020, anh mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi 1.000 m2 diện tích đất sau lán trại để trồng dưa chuột bằng hình thức dựng cọc bê tông chống đỡ (cao 2,5m), che phủ bằng dàn lưới mắt thưa và hệ thống tưới nhỏ giọt tự động.
Lúc mới triển khai anh Nam vấp phải rất nhiều khó khăn vì phương pháp này khác hẳn so với phương pháp trồng truyền thống từ cách phối trộn giá thể trồng, dựng cọc bê tông, lựa chọn giống hay cách treo bầu, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt…
Giống dưa chuột anh Nam chọn trồng là dưa lai F1 Cucumber VA.69. Đây là giống dưa đang được người dân, thị trường ưa chuộng, thời gian thu hoạch khoảng 65-70 ngày sau trồng, có thể trồng 3-4 vụ/năm.
Xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, chất lượng nên ngay từ đầu vụ anh đã tìm hiểu và chủ động áp dụng quy trình trồng, chăm sóc cây dưa chuột đúng theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Nam chia sẻ về phương pháp trồng dưa như sau:
Cây dưa chuột được trồng trong túi bầu có kích thước 28 x 30cm đựng khoảng 70% đất thịt pha cát và 30% phân hữu cơ đã qua xử lý; túi được treo cách mặt đất 90-100 cm để hạn chế sâu bệnh và tạo độ thông thoáng.
Treo túi trồng dưa chuột như vậy giúp rút ngắn khoảng cách leo lên giàn của cây dưa, giúp cây dưa cứng cáp, khỏe mạnh hơn.
Trước khi trồng dưa chuột 1 ngày anh phun thuốc Ridomil gold và thuốc trừ sâu để phòng trừ sâu bệnh cho cây con, với mật độ giữa 2 hàng là 2,0 m, cây cách cây là 40 cm, anh trồng được 1.200 cây/1.000m2.
Bên cạnh đó trong quá trình chăm sóc cây dưa chuột, anh nhận thấy để hạn chế gió làm lay bầu anh sử dụng cây tre dài khoảng 4-5 m để buộc, làm giá đỡ túi bầu giữa hai cọc bê tông.
Anh Nam sử dụng nước giếng khoan để tưới kết hợp bón phân cho cây dưa chuột qua hệ thống nhỏ giọt tự động.
Đến nay sau 3 tháng trồng, ruộng dưa chuột của anh đã thể hiện được nhiều ưu điểm rõ rệt. Cây dưa leo xanh tốt, rất ít sâu bệnh, sai quả. Đặc biệt, những quả dưa chuột khi đến tay người tiêu dùng bảo đảm an toàn, chất lượng cùng hình thức đẹp mắt |
Ước tính năng suất trung bình ruộng dưa chuột của anh Nam đạt 5.000 kg/1.000m2/vụ, giá bán là 10.000 đồng/kg. Theo tính toán, doanh thu của mô hình đạt 50 triệu đồng/1.000m2.
Sau 3 tháng trồng, trừ đi các khoản chi phí như dựng cọc bê tông 10 triệu đồng, hệ thống tưới nhỏ giọt xấp xỉ 20 triệu đồng và các khoản chi phí công lao động, giống, phân bón thì vụ đầu anh Nam vẫn có lợi nhuận gần 10 triệu đồng.
Ở những vụ tiếp theo do giảm được các chi phí làm cọc, hệ thống tưới mỗi vụ anh có thể thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng/1.000 m2.
Hiện nay, sản phẩm dưa chuột của gia đình anh Nam đã có đơn vị bao tiêu toàn bộ đầu ra, được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Từ những kết quả khả quan ban đầu, anh Nam đang lên kế hoạch mở rộng thêm diện tích để trồng dưa chuột và phát triển một số loại cây trồng khác theo phương pháp này.
Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh Nam còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động ở trang trại với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ ở địa phương.
Trao đổi với chúng tôi ông Trần Xuân Diến, phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: “Với phương pháp này mô hình tiết kiệm được rất nhiều về chi phí như công làm đất, làm cỏ, bón phân, tưới nước, đặc biệt là hạn chế được rất nhiều đối tượng sinh vật gây hại lên cây dưa...".
Theo ông Diến, thành công hơn nữa của mô hình trồng dưa chuột của anh Nam đó chính là diện tích thuê đất của anh hơi trũng và có khả năng bị ngập úng khi mưa lớn nhưng với phương pháp làm giàn treo như ở mô hình có thể khắc phục được nhược điểm trên.
Đánh giá về mô hình trồng dưa chuột áp dụng công nghệ của anh Nam, ông Trần Xuân Dẫn, phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Đây là một mô hình rất khả quan, một tín hiệu tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích đất canh tác, phương pháp canh tác khá thân thiện với môi trường và khắc phục được nhược điểm về điều kiện đất đai đối với những khu vực sản xuất không chủ động nguồn nước, hay dễ bị ngập nước....".
Mô hình có khả năng áp dụng được cho nhiều hộ gia đình sản xuất nông nghiệp hiện nay, mở ra triển vọng mới về phát triển nông nghiệp bền vững ở địa phương. Hiện, nhiều hộ nông dân sản xuất nông nghiệp ở địa phương cũng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình sản xuất dưa chuột công nghệ cao của anh Nam. |
(Theo TTKN QG/ Dân Việt)