Tiểu ban chuyên ngành, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang vừa tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trồng lan thương phẩm làm thuốc và nhân giống vô tính giống lan Thạch hộc thiết bì tại tỉnh Tuyên Quang”. Đề tài do GS.TS Trần Ngọc Ngoạn, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ Tuyên Quang làm chủ đầu tư.
Tại hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Đông, xã Năng Khả, huyện Na Hang, nhóm nghiên cứu bắt đầu trồng thử các mầm lan giống được nhân bản trong phòng thí nghiệm từ tháng 1-2015 trên diện tích 600 m². Sau hơn 1 năm triển khai, cây lan Thạch hộc thiết bì sinh trưởng và phát triển tốt, độ dài đạt 45 cm, với năng suất trung bình khoảng 0,5 kg/m². Ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, được biết đây là loài thuốc quý, nhưng rất khó trồng, phải chăm sóc tỷ mỷ hơn rất nhiều so với các giống lan bản địa.
Mô hình trồng lan Thạch hộc thiết bì để làm thuốc tại gia đình ông Nguyễn Tiến Đông, xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng được 3 chuyên đề khoa học về cách chăm sóc, đào tạo được 70 cán bộ khuyến nông và đại diện các hộ dân 4 xã trong huyện Na Hang về cách chăm sóc giống lan Thạch hộc thiết này. Đặc biệt là đánh giá được chi tiết về điều kiện sinh trưởng của giống lan quý Thạch hộc thiết bì trong thực tế trồng.
GS.TS Trần Ngọc Ngoạn cho biết: Giống lan Thạch hộc thiết bì là giống lan thân thòng, ưa ánh sáng tán xạ và yêu cầu điều kiện khí hậu mát mẻ. Với đặc điểm chung của loài lan thân đốt, lan Thạch hộc thiết bì sinh trưởng theo mùa và sinh trưởng chậm. Khi trồng trong điều kiện nhân tạo cần phải chăm sóc rất cẩn thận về điều tiết ánh sáng, chế độ nhiệt mới đảm bảo được sinh trưởng bình thường của cây. Sau trồng gần 2 năm cho thấy, đối với điều kiện tại huyện Na Hang chỉ nên trồng đại trà vào vụ xuân.
Theo thống kê, trên diện tích cây sống đông đặc là 400 m2, có thể thu được 268 kg lan thương phẩm, giá bán hiện nay là 2 triệu đồng/kg cho tổng thu khoảng gần 600 triệu đồng. GS.TS Trần Ngọc Ngoạn cho biết, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Nếu hộ dân hay doanh nghiệp nào có nhu cầu trồng lan Thạch hộc thiết bì sẽ cung cấp toàn bộ cây giống có hỗ trợ và hướng dẫn cách chăm sóc để đạt hiệu quả cao.
Tác dụng y dược của lan Thạch hộc thiết bì: Lan Thạch hộc thiết bì được y học biết đến từ lâu, nhất là tác dụng dược lý trong việc chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư, kháng u bướu, chăm sóc da bị lão hóa... Vì vậy, việc nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật trồng lan Thạch hộc thiết bì vừa có tác dụng bảo vệ nguồn gen quý vừa cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. |