Ban đầu, được người bạn giới thiệu, anh Nguyễn Hồng Hiếu (sinh năm 1978) mua được vài gốc nha đam (giống nha đam Mỹ) về trồng chơi chơi, làm kiểng trước sân nhà, chủ yếu dùng trong gia đình. Về sau, thấy giống nha đam Mỹ này dễ thích ứng, phát triển tốt, bẹ to, dày, anh Hiếu quyết định nhân giống lên với số lượng gần 1.000 gốc. “Tôi sử dụng hành lang cặp vách nhà để trồng, đặt những chậu nha đam ngay trên nền gạch. Để hạn chế côn trùng và thời tiết tác động, tôi che màng lưới phía trên, nha đam phát triển rất tốt...” - anh Hiếu chia sẻ.
Khoảnh đất nhỏ, thu nhập cao
Từ những chiếc chậu, xô nhựa đã qua sử dụng, anh Nguyễn Hồng Hiếu đã tận dụng để trồng nha đam quanh nhà. Nhờ trồng giống nha đam Mỹ, sử dụng màng che để hạn chế côn trùng, gia đình anh Hiếu có nguồn thu từ 1-1,5 triệu đồng/ngày. Sản phẩm chế biến từ nha đam trồng trong thùng xốp, xô nhựa của anh Hiếu còn giúp tăng thu nhập cho các hộ dân khác.
Đang ngồi thu hoạch những bẹ lá nha đam xanh mướt giao cho thương lái, anh Hiếu cho biết, trước tiên, anh thu gom, tận dụng những chậu, thùng, xô nhựa cũ, sau đó mang đi đục lỗ phía dưới, cho đất nhuyễn, phân hữu cơ, phân bò, xơ dừa vào trong, rồi trồng 1-2 gốc. Sau hơn 10 tháng chăm sóc, nha đam sẽ cho thu hoạch.
“Trồng nha đam trong thùng xốp, xô, chậu nhựa nhẹ công tưới nước, làm cỏ, chất lượng cao hơn ở ngoài đất. Do chậu, thùng xốp, xô dễ thoát nước nên không xảy ra tình trạng ngập úng, ít sâu bệnh, tiết kiệm được lượng phân bón đáng kể. Nha đam Mỹ phát triển tốt, bẹ to, thịt nhiều, thơm ngon nên giá bán cao hơn” - anh Hiếu bật mí về việc trồng nha đam trong chậu, thùng xốp thay vì trồng trực tiếp xuống đất.
Hiện nay, gần 1.000 gốc nha đam của anh Hiếu đang cho thu hoạch, được thương lái mua bẹ với giá 6.000/kg. Mỗi đợt thu hoạch, 1 gốc nha đam có thể chiết ra từ 2-3 bẹ lá, trọng lượng khoảng 2kg. Với gần 1.000 gốc nha đam, anh Hiếu có nguồn thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/ngày. Thấy việc trồng nha đam nhẹ nhàng nhưng thu nhập cao nên anh Hiếu đang mở rộng thêm mô hình này cho người thân, hàng xóm.
Nước nha đam hút hàng
Cách nhà anh Hiếu không xa là gia đình của chị Út Phỉ. Nhận thấy sức hút từ nước uống nha đam nên chị Út Phỉ đã đầu tư mua hẳn máy xay và máy đóng nắp, tự chế biến loại sản phẩm này. “Ban đầu, tôi vào huyện Vĩnh Thạnh mua nha đam về chế biến. Tuy nhiên, nha đam trồng trên đất ruộng không được thơm ngon. Khi biết anh Hiếu trồng nha đam trong nhà với số lượng nhiều, tôi liên hệ và mua về chế biến. Loại nha đam này được khách khen ngon, làm ra bao nhiêu đều bán hết. Hiện nay, tôi còn bỏ mối nước nha đam tươi cho 2 trường học và một số nơi...” - chị Út Phỉ chia sẻ.
Chị Út Phỉ cho biết, cách chế biến nước nha đam cũng đơn giản. Sau khi lấy nha đam từ chỗ anh Hiếu, chị tiến hành rửa, làm sạch vỏ, xay ra, sau đó nấu cùng với đường phèn và nước sạch. Khi nước nha đam nguội, chị cho vào chai, ướp vào thùng đá bán tại bến đò và giao cho các đầu mối. “Lợi nhuận từ nước nha đam giúp tăng thu nhập cho gia đình, lo cho đứa con gái đang học lớp 9 được chu đáo hơn” - chị Út Phỉ bộc bạch.
Ngoài việc làm thức uống, nha đam còn được dùng làm sữa chua, kem thoa mặt, dưỡng da, chăm sóc sắc đẹp… Theo đông y, nha đam là một dược liệu quý trong điều trị các bệnh như: gan, bệnh ngoài da, mỏi mắt… |
Anh Hiếu cho biết, ngoài chị Út Phỉ là “mối ruột” mua nha đam hàng ngày, các bạn nữ trẻ trong xã Phú Thuận thường đến mua từ 1-2 kg về làm kem để dưỡng da, làm mặt nạ. Đối với lượng nha đam thu hoạch tại chỗ, có bao nhiêu đều được các thương lái ở TP. Long Xuyên vào thu gom hết. “Nha đam Mỹ rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, trồng một lần là thu hoạch lâu dài, không cần phải ươm lại hay mua cây giống khác. Đây có thể xem là hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương” - anh Hiếu nhận xét.
Thấy được hiệu quả của cây nha đam Mỹ, anh Hiếu dự kiến mở rộng quy mô trồng lớn hơn để cung ứng cho thị trường. Anh Hiếu kỳ vọng sẽ trở thành hộ dân đầu tiên của xã Phú Thuận thành công với mô hình trồng nha đam chuyên nghiệp, từ đó nhân rộng ra các hộ khác.