Không phong toả nghiêm ngặt như Trung Quốc, cách ly trên quy mô lớn như châu Âu và các thành phố ở Mỹ, Nhật Bản không hề đưa ra quy định phong toả toàn quốc. Trong khi người dân đối mặt với sự gián đoạn khi Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu đóng cửa trường học, thì cuộc sống hàng ngày của họ vẫn diễn ra bình thường. Những chuyến tàu giờ cao điểm ở Tokyo vẫn chật kín người, các nhà hàng vẫn mở cửa.
Nghi ngờ về những số liệu Nhật Bản đã công bố
Câu hỏi "lờ mờ" hiện ra là liệu Nhật Bản có né tránh được đường đi của viên đạn hay không. Chính phủ nước này cho rằng họ đã rất tích cực trong việc xác định các cụm lây nhiễm và kiềm chế sự lây lan – giúp cho tổng số bình quân đầu người nhiễm bệnh thuộc số thấp nhất trong các nền kinh tế phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng Nhật Bản đã lỏng lẻo trong quá trình xét nghiệm, có thể họ đang tìm cách giữ số lượng ca lây nhiễm ở mức thấp trong bối cảnh là nước chủ nhà của sự kiện Olympics 2020.
Ban đầu, Nhật Bản đưa ra phản ứng khá chậm chạp đối với sự lây lan của dịch bệnh, việc giải quyết trường hợp du thuyền Diamond Princess và quyết định không đình chỉ hoạt động du lịch từ Trung Quốc, khiến quốc gia này trở thành tâm điểm của sự chỉ trích rằng họ có thể trở thành "Vũ Hán thứ 2". Những biện pháp được thực hiện để kiềm chế sự lây lan, như đóng cửa trường học và huỷ bỏ những sự kiện lớn, dường như khá nhẹ nhàng so với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, đến ngày 20/3, Nhật Bản chi có hơn 1000 ca nhiễm – không tính các trường hợp trên du thuyền Diamond Princess. Trong khi đó, Mỹ, Pháp và Đức đều ghi nhận hơn 10.000 ca và Italy là hơn 41.000. Quốc gia láng giềng Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm nhanh chóng kể từ hồi cuối tháng 2 và hiện có hơn 8.600 ca nhưng số người nhiễm mới đang giảm dần.
Tại Tokyo, một trong số những đô thị đông đúc nhất thế giới, số ca nhiễm chỉ chiếm 0,0008% dân số. Hòn đảo phía bắc – Hokkaido, vốn có lượng người nhiễm lớn nhất Nhật Bản, đang dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp khi số ca nhiễm mới chỉ tăng nhẹ.
Kenji Shibuya – giáo sư tại trường King’s College London và cựu giám đốc chính sách y tế của WHO, nhận thấy có 2 khả năng. Đó là Nhật Bản đã ngăn chặn sự lây lan bằng cách tập trung "dập dịch" ở các cụm bùng phát, hoặc sự bùng phát vẫn chưa được phát hiện. Ông nhận định: "Cả 2 khả năng đều hợp lý. Nhưng tôi dự đoán rằng Nhật Bản chuẩn bị chứng kiến sự bùng phát và sẽ chuyển từ giai đoạn ngăn chặn sang kiềm chế tốc độ lập đỉnh trong thời gian sớm."
Gần với Trung Quốc, nên Nhật Bản đã nhận được những cảnh báo sớm khi dịch bệnh đang ở giai đoạn dễ kiểm soát hơn. Cuối tháng 1, ngay sau khi Nhật Bản ghi nhận ca nhiễm đầu tiên – người không có mối liên hệ với Trung Quốc, nước rửa tay đã bắt đầu xuất hiện một loạt ở các văn phòng và cửa hàng, số lượng khẩu trang được bán ra tăng vọt và người dân bắt đầu thực hiện một số bước cơ bản để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Điều này cũng giúp Nhật Bản "là phẳng" đường cong trên biểu đồ số người nhiễm bệnh trên thế giới.
Theo báo cáo công bố hôm 9/3 của một hội đồng chính phủ, 80% ca nhiễm ở Nhật Bản đều không lây cho người khác. Tuy nhiên, thất bại trong việc kiểm soát sự bùng phát mạnh trên du thuyền Diamond Princess của chính phủ Nhật Bản đã trở thành tâm điểm chỉ trích cho giới chức Mỹ. Theo đó, nhiều ý kiến nghi ngờ rằng liệu họ có thể thực sự "lội ngược dòng" hay không.
Những lợi thế của Nhật Bản
Nhật Bản có thể đã có sẵn một số lợi thế, ví dụ như văn hoá bắt tay và ôm hôn không phổ biến như các quốc gia G7. Ngoài ra, người dân Nhật cũng thường xuyên rửa tay hơn châu Âu.
Các trường hợp cúm theo mùa đã sụt giảm trong 7 tuần liên tiếp, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát. Điều này cho thấy rằng người Nhật đã áp dụng một số bước cơ bản để ngăn chặn sự lây nhiễm. Dữ liệu năm 2004 đến nay từ Trung tâm Giám sát bệnh Truyền nhiễm thủ đô Tokyo cho thấy các trường hợp cúm năm nay thấp hơn bình thường, với số người nhiễm trên toàn quốc ở mức thấp nhất.
Nhật Bản đã tăng cường tốc độ và quy mô xét nghiệm, nhưng chỉ đạt mức 5% so với con số ở Hàn Quốc, dù dân số đông hơn. Tính đến ngày 18/3, Nhật Bản đã tiến hành xét nghiệm hơn 15.000 người. Dù không khuyến khích thực hiện đối với những người không có triệu chứng hoặc không tiếp xúc với mầm bệnh, thì tỷ lệ nhiễm bệnh ở quốc gia này vẫn ở mức 5,6%. Trong khi đó, ở Hàn Quốc là 3%, Italy là 18%. Dẫu vậy, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với một "trận chiến" khó khăn để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm.
Ben Cowling – giáo sư ngành dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông, cho biết: "Thật khó để xác định mọi trường hợp, bởi rất nhiều người chỉ có triệu chứng nhẹ. Tôi dự đoán rằng số ca ở Nhật Bản sẽ tăng dần do quá trình lây nhiễm ‘lặng lẽ’ trong cộng động."
Trong khi đó, giới chức Nhật Bản cho biết họ tự tin với hệ thống thử nghiệm. Yasuyuki Sahara – quan chức Bộ Y tế, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi không cần sử dụng toàn bộ khả năng xét nghiệm. Chúng tôi cũng không cho rằng cần tiến hành xét nghiệm với nhiều người chỉ bởi họ đang lo lắng."
Nếu Nhật Bản chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt, họ có thể có nhiều kinh nghiệm xử lý hơn so với những quốc gia khác. Theo WB, Nhật Bản hiện có 13 giường bệnh/1.000 người, tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia G7 và gấp 3 lần Italy, Mỹ, Anh và Canada.
Giới chức y tế nước này cho biết, ngay cả khi số người nhiễm tăng lên quá cao, thì các bệnh viện cũng không chịu cảnh quá tải và sẽ không có trường hợp viêm phổi. Trong khi ông Abe nghiêm ngặt hơn đối với việc kiểm soát biên giới, thì một hội đồng chuyên gia của chính phủ cho biết họ có thể mở cửa trường học trong các khu vực không ghi nhận thêm ca nhiễm mới vào tháng 4 – thời điểm bắt đầu năm học mới.
Tham khảo Bloomberg