Vàng Bảo Tín là một trong những thương hiệu kim hoàn nổi tiếng nhất Thủ đô Hà Nội và khu vực phía Bắc. Bảo Tín được sáng lập bởi bà Lương Thị Điểm, sau đó được phát triển phát triển bởi những người con trong gia đình.
Các thương hiệu tiệm vàng nhà Bảo Tín gồm có Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Hồng Quân, Bảo Tín Mạnh Hải, Bảo Tín Thanh Vân, Bảo Tín Hoàng Long, đều được đặt tên theo chủ. Nổi tiếng nhất trong số này là Bảo Tín Minh Châu, của ông Vũ Minh Châu. Đây là thương hiệu ra đời từ năm 1989, sau khi ông Châu theo học nghề kim hoàn, tự mua sách về học, tự phân kim, chế tác nhẫn.
Bảo Tín Minh Châu hiện có 5 cơ sở kinh doanh tại Hà Nội, và hơn 200 đại lý phân phối tại khu vực miền Bắc. Sản phẩm nổi tiếng của họ là nhẫn vàng tròn trơn, và vàng rồng Thăng Long ép vỉ. Ngoài ra, công ty còn phát triển các thương hiệu riêng cho từng phân khúc: sản phẩm trang sức cưới, trang sức cho nữ giới, trang sức cho nam giới, kim cương, đá quý…
Ông Vũ Minh Châu từng chia sẻ với truyền thông rằng thị phần kim hoàn của nhà họ Vũ chiếm khoảng vài chục phần trăm tại thị trường Hà Nội, đây là con số đáng nể.
Bảo Tín Minh Châu, công ty lớn nhất trong nhóm nhà họ Vũ chứng kiến doanh thu tăng đột biến trong năm 2019, đạt 531 tỷ đồng. Giai đoạn trước đó, doanh thu của công ty dao động từ 1/3 đến 1/2 mức này.
Đặc thù ngành kinh doanh vàng miếng có biên lãi gộp không cao như nhiều người vẫn tưởng. Như tại Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), biên lãi gộp 2019 chỉ 0,8%.
Bảo Tín Minh Châu cũng không tránh khỏi điều này, liên tiếp từ 2016 đến 2018 công ty lỗ từ 4 – 7 tỷ đồng. Năm 2019, Bảo Tín Minh Châu có lãi nhưng không đáng kể, chỉ 1,2 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng có thể ghi nhận mức doanh thu "khủng", nhưng đa phần hiệu quả sinh lời của họ không quá tốt.
Chúng tôi lấy ví dụ trường hợp của SJC, doanh thu năm 2019 của họ gần chạm mức 1 tỷ USD, 23.127 tỷ đồng; nhưng lợi nhuận ròng vỏn vẹn 52 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận ròng 0,22%.
Doji có lẽ minh chứng còn rõ ràng hơn, doanh thu năm 2019 của họ đạt 88.920 tỷ đồng; nhưng lãi sau thuế 150 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận ròng là 0,17%. Yếu tố thị trường, quản lý hàng tồn kho đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh vàng miếng. Việc quản lý của các công ty cũng phải hết sức thận trọng để bảo toàn được biên lợi nhuận mỏng manh.
Chỉ có những doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong ngành kim hoàn mới có khả năng thu về lợi nhuận ấn tượng. CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là một trường hợp như vậy.
Năm 2020, doanh thu của PNJ đạt 17.511 tỷ đồng, lãi ròng 1.069 tỷ đồng, nằm trong số những doanh nghiệp lãi lớn trên sàn chứng khoán. Bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, PNJ hồi phục nhanh chóng, đạt kỷ lục trong quý 4. Trên thực tế, biên lãi gộp của PNJ lên tới gần 20%.
Một trường hợp không thành công trong ngành kim hoàn, Precita – thương hiệu thuộc CTCP Vàng bạc Đá quý Bến Thành (BTJ) lỗ nặng trong nhiều năm. Cho dù được Mekong Capital rót vốn từ giữa năm 2016 và đưa ra một tầm nhìn định hướng sáng sủa, Precita vẫn lỗ khoảng 109 tỷ đồng trong 3 năm sau đó. Sau cùng, Mekong Capital thoái vốn. Precita hiện đã mất hút trên thị trường.