Lạc quan kinh tế Việt Nam 2019

01/12/2018 10:54
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2019 từ 6,6-6,8%, tức tăng thêm 0,1 điểm phần trăm so với mục tiêu của năm 2018.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) cập nhật tháng 10/2018 của IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu 0,2 điểm phần trăm so với dự báo của 2 lần trước đó trong tháng 4 và tháng 7, xuống còn 3,7% năm nay và năm 2019, tức tương đương năm 2017. Các nền kinh tế phát triển dự báo sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay và giảm còn 2,1% trong năm 2019; các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi vẫn cũng duy trì tăng trưởng 4,7% trong năm 2018 và 2019 như năm 2017.

Điều thú vị là nếu năm nay Trung Quốc chỉ đạt tăng trưởng 6,6% và Việt Nam đạt từ 6,7% trở lên thì có lẽ đây là lần hiếm hoi trong 30 năm qua Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 6,98% và đến lúc này có thể nói chắc chắn đã hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ 6,5-6,7%.

Lạc quan kinh tế Việt Nam 2019 - Ảnh 1.

Sức ép đa chiều

Phân tích đóng góp vào tăng trưởng GDP từ phía tổng cung cho thấy khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%, riêng ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tăng trưởng lên đến 12,65% - tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%.

Nhìn từ phía tổng cầu, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,71%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,52%; nhập khẩu tăng 14,22%. Tổng đầu tư trong nền kinh tế chiếm 34% GDP, trong đó tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và FDI đều tăng, trong khi tỷ trọng đầu tư khu vực nhà nước lại giảm so với các năm trước. Sức cầu của khu vực hộ gia đình cũng tăng trưởng khá cao, đạt trên 11% cùng kỳ trong những tháng gần đây và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng cuối năm nhưng mức tăng trưởng sẽ giảm theo quy luật trong những tháng đầu 2019.

Tăng trưởng cao đặt ra nhiều sức ép lên lạm phát và thực tế áp lực đã hiện hữu trong 6 tháng đầu năm cho đến khi dịu trở lại trong quý 3 vừa rồi. Chỉ số CPI bình quân 10 tháng 2018 đã tăng 3,6% so với bình quân cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản bình quân chỉ tăng 1,43% so với cùng kỳ cho thấy yếu tố gây sức ép lên lạm phát chủ yếu do giá hàng hóa cơ bản và năng lượng hơn là yếu tố tiền tệ.

Doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư R&D, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện năng lực cạnh tranh.

Phân tích khu vực tiền tệ cho thấy tăng trưởng tín dụng và cung tiền (M2) đang có xu hướng chậm lại trước quan ngại về lạm phát. Tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ tăng 9,52% và cung tiền chỉ tăng 8,74% so với cùng kỳ nhưng có khả năng tăng tốc vào những tháng cuối năm khi nhu cầu vốn gia tăng. Một số ngân hàng có dấu hiệu suy yếu thanh khoản đã đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng trong khi lãi suất huy động cũng có dấu hiệu ấm lên. Áp lực lên lãi suất trong những tháng tới sẽ còn lớn hơn nếu FED tiếp tục tăng lãi suất. Tính từ đầu năm đến nay FED đã ba lần tăng lãi suất và khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu thất nghiệp của Mỹ giảm sâu dưới 4% và lạm phát vượt trên 2,5%. Ngoài ra, nếu chiến tranh thương mại leo thang và NHNN tiếp tục muốn giữ ổn định tỷ giá thì lãi suất càng thêm sức ép lớn. Kỳ vọng lãi suất tăng cũng được nhìn thấy cả ở đường cong lãi suất tiền gửi và đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ.

Lạc quan kinh tế Việt Nam 2019 - Ảnh 2.

Tại Diễn đàn “Nhận diện kinh tế Việt Nam 2019 và khả năng thích ứng của doanh nghiệp” các chuyên gia cho rằng: Năm 2019, xu hướng hội nhập vẫn là xu hướng chủ đạo. Biểu đồ: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam so với ASEAN5, Trung Quốc và Ấn Độ

Điều tích cực là chính sách tiền tệ có thể được chia lửa một phần nhờ những cải thiện gần đây về phía tài khóa. Tỷ lệ bội chi ngân sách đã giảm đáng kể trong 3 năm qua, từ mức 5-6% GDP xuống còn khoảng 3,5%-3,7% GDP. Năm 2018 dự kiến bội chi khoảng 3,67% so với mục tiêu 3,7% và năm 2019 tiếp tục giảm bội chi mục tiêu xuống còn 3,6% GDP. Tỷ lệ nợ công cũng đã giảm từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 61,4% GDP trong năm nay và dự báo tiếp tục giảm dưới 61% GDP trong năm 2019. Giảm bội chi và nợ công sẽ góp phần giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất của nền kinh tế, chia tải một phần sức ép lên chính sách tiền tệ.

Về cán cân thanh toán (BOP), trong mấy năm trở lại đây Việt Nam luôn đạt thặng dư kép ở cả cán cân vãng lai lẫn cán cân vốn và tài chính. Nhờ thặng dư đó, tích lũy ngoại tệ của Việt Nam liên tục tăng và hiện đạt mức khoảng 63 tỉ USD, tương đương hơn 3 tháng nhập khẩu. Quy mô dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện đứng thứ 34 trên thế giới nhưng chỉ đứng thứ 6 trong 10 nước Đông Nam Á. Mặc dù tích lũy ngoại tệ tăng lên nhưng có một số tín hiệu cần chú ý với BOP như tiền và tiền gửi ra nước ngoài khá lớn, lỗi và sai cũng đang ở mức cao kỷ lục cho thấy có một số trục trặc không nhỏ đang diễn ra trên thị trường tài sản ngoại tệ của Việt Nam.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bước sang hiệp thứ ba và tính chất căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu dịu nhiệt. Nhiều đồng tiền trên thế giới đã giảm giá đáng kể, ví dụ như đồng rupee của Ấn Độ đã giảm khoảng 14%, đồng real của Brazil giảm giá hơn 11% so với đầu năm. Nếu tính từ thời điểm tháng 3 khi Mỹ phát động cuộc chiến thương mại thì đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm giá gần 10%, đồng euro gần 9%, đồng yên Nhật hơn 7%, đồng tiền của các nền kinh tế trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc cũng mất giá từ 4-6%. Trong khi đó, VND chỉ mất giá khoảng 2,4-2,8% so với thời điểm nổ ra cuộc chiến thương mại cũng như so với đầu năm.

Và kỳ vọng tương lai

Nếu nhìn ở góc độ ổn định vĩ mô, có thể nói rằng Việt Nam đã duy trì ổn định khá tốt, nền kinh tế đã hấp thụ các xung lực bên ngoài mà không gây ra các biến động đáng kể lên thị trường ngoại tệ trong nước, dù sức ép có những thời điểm được đẩy lên cao. Tuy nhiên, trong điều kiện dòng vốn quốc tế ngày càng lưu động, yêu cầu cần có một chính sách tiền tệ độc lập để theo đuổi mục tiêu lạm phát và tăng trưởng càng lớn thì việc linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá sẽ giúp tránh được tâm lý kỳ vọng phá giá của thị trường, giảm xung đột trong các mục tiêu chính sách.

Năm 2018 gần khép lại và một kế hoạch cho năm 2019 đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2019 từ 6,6-6,8%, tức tăng thêm 0,1 điểm phần trăm so với mục tiêu của năm 2018. Điều thú vị không chỉ là chúng ta đặt mục tiêu ngược dòng kinh tế thế giới theo dự báo mà chính là các mục tiêu kinh tế khác gần như không đổi so với mục tiêu năm trước.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục duy trì trong khoảng từ 33-34% GDP, kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%... Chính phủ có thể có cơ sở để lạc quan với mục tiêu này, tuy nhiên với dự báo kinh tế thế giới 2019 như đã phân tích ở trên cộng với nhiều trục trặc về mặt cơ cấu vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là các thách thức từ phía thị trường tiền tệ và ngoại hối, các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng trong việc xác định mục tiêu tăng trưởng của mình trong năm 2019.

Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình phù hợp với các kịch bản kinh tế trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với sức ép lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong năm tới là không nhỏ, do vậy cần chú ý quản lý đòn bẩy tài chính, đặc biệt là các khoản vay dài hạn có lãi suất thả nổi, hạn chế vay ngắn hạn đầu tư dài hạn; đồng thời cũng chú ý các khoản vay nợ bằng ngoại tệ (trái phiếu quốc tế...), đặc biệt đối với DN không có nguồn thu bằng ngoại tệ trực tiếp; tăng cường năng lực quản trị tài chính, sử dụng công cụ bảo hiểm rủi ro ví dụ các công cụ phái sinh.

Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, song cũng cần cẩn trọng với các biện pháp phòng vệ thương mại, vấn đề nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Về dài hạn, cần tăng cường đầu tư R&D, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện năng lực cạnh tranh.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: Ba xu hướng 2019 Xu hướng quan trọng nhất của nền kinh tế vẫn là vấn đề hội nhập, mặc dù trong môi trường này có sự tranh chấp, đe dọa về thương mại nhưng xu hướng hội nhập vẫn là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Thứ hai là nền kinh tế số, doanh nghiệp phải hiểu cho đúng khái niệm về công nghệ 4.0. Các doanh nghiệp hãy đưa công nghệ số vào từng công việc cụ thể như việc quản trị vào kinh doanh. Nền kinh tế số là yếu tố quan trọng trong xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hiện nay. Kinh tế số cũng là điều rất quan trọng để các doanh nghiệp tạo ra được sự canh tranh công bằng với các doanh nghiệp lớn." Thứ ba là doanh nghiệp phải hướng đến sự phát triển bền vững. Giá cả sản phẩm không quyết định được tất cả khi hiện nay các nhà bán hàng, các đối tác của các doanh nghiệp luôn có xu hướng chọn việc kinh doanh hàng hóa bảo đảm mang lại lợi ích cho cộng đồng, môi trường và mang lại lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp đi ngược lại với các tiêu chí phát triển hàng hóa bền vững sẽ tạo ra những rào cản khi tham gia thương mại tự do. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright


Tin mới

"Gà đẻ trứng vàng" của VinFast đến tay khách Indonesia, hãng xe Việt chạy nước rút bàn giao 80.000 chiếc
36 phút trước
Mở rộng và thu hút tại nhiều thị trường cùng với kỷ lục về doanh số trong các tháng cho thấy VinFast đang bứt tốc cho mục tiêu 80.000 xe bàn giao cho khách hàng đến cuối năm nay.
Phụ phẩm tôm lâu nay toàn bỏ đi hóa ra giá trị cả tỷ USD
3 phút trước
Với sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, phụ phẩm tôm đem chế biến sâu sẽ cho ra những sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần, mang về cả tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế hiện giá trị phụ phẩm tôm mang lại còn quá khiêm tốn, hiện 70% chỉ dành cho chăn nuôi.
Chủ xe Defender lái 7.000km xuyên Việt Nam - Thái Lan: ‘Chạy địa hình sướng, có đoạn vượt 4.000 khúc cua, vẫn còn điểm bất tiện’
39 phút trước
Anh Nguyễn Hoàng Anh - Chủ nhân chiếc Porsche 911 Dakar đầu tiên Việt Nam, vừa hoàn thành chuyến đi từ Việt Nam qua Lào rồi Thái Lan bằng chiếc Defender.
Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam
27 phút trước
Hiện tượng khác thường là giá cà phê tăng cao nhưng sản lượng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân vì sao?
Đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời gian đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia
2 giờ trước
Theo Đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp phải có thời gian nhất định để cơ cấu lại sản phẩm, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia ngay từ 2026 thì không hợp lý.

Tin cùng chuyên mục

Bán 60.000 iPhone thu 2.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng, điều gì giúp TopZone 'on top' thị trường?
4 giờ trước
TopZone tiếp tục khẳng định vị thế nhà bán lẻ ủy quyền cao cấp nhất của Apple với doanh thu chuỗi chương trình mở bán iPhone 16 nhanh chóng đạt 2.000 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả của chiến lược chú trọng vào trải nghiệm khách hàng của thương hiệu.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
7 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.
Trung Quốc vừa 'mở khóa' kho báu siêu khủng chứa hơn 1.000 tấn vàng, nguy cơ làm rung chuyển thị trường vàng thế giới
21 giờ trước
Mỏ vàng vừa phát hiện tại Trung Quốc ước tính chứa hơn 1.000 tấn vàng, trị giá 83 tỉ USD.
Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
2 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.