DN Đức lạc quan
Khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, với sự tham gia của các DN và nhà đầu tư Đức, từ 8/4-30/4, cho thấy, Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt của các DN Đức khi số doanh nghiệp Đức tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong năm 2019 và 2020 tăng cao hơn hẳn so với 2018 trở về trước.
Các DN Đức vẫn tiếp tục nhìn nhận tích cực về sự phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như triển vọng tới 2020. Có 77% số DN Đức tại Việt Nam tham gia khảo sát, đánh giá tình hình kinh doanh của mình tốt lên trong năm nay. Con số này tăng so với 56% của năm 2018 và cao hơn nhiều so với chỉ số trung bình tại Đông Nam Á là 61%.
Việt Nam tiếp tục là điểm đầu tư hấp dẫn của các DN CHLB Đức |
2018 được đánh giá là năm thành công với nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua các chỉ số tăng trưởng tích cực như: GDP tăng 7,1%, vốn FDI rót vào 13 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 465 tỷ USD, trong đó xuất siêu 13 tỷ USD,... Chính phủ Việt Nam tỏ rõ thiện chí trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và DN nước ngoài.
Thêm vào đó, hàng loạt Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Những yếu tố trên đã tạo điều kiện thuận lợi để DN nước ngoài, trong đó có DN Đức, phát triển tốt tại thị trường Việt Nam. Từ đó, nhận định của các DN khá lạc quan và đầy kỳ vọng vào sự phát triển bền vững trong trung hạn. Các DN Đức vững tin vào sự phát triển trong năm 2019 và 2020, báo cáo viết.
Khảo sát cũng cho thấy, có 55% DN Đức có kế hoạch nâng cao mức đầu tư tại Việt Nam, tỷ lệ này cao hơn so với năm 2018 là 52% và cao hơn tại Đông Nam Á là 44%. So với các nước trong khu vực, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các DN Đức. Sự gắn kết trong lịch sử giữa Đức và Việt Nam với hơn 12.000 người nói tiếng Đức tại Việt Nam là yếu tố quan trọng, giúp DN Đức thuận lợi hơn trong việc phát triển thị trường.
Có 59% số DN Đức tại Việt Nam dự định tuyển thêm nhân sự trong năm 2019 và 2020, tăng so với 56% của năm 2018. Các DN Đức cũng kỳ vọng Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ được ký kết sớm, Việt Nam sẽ hoàn thiện khung cơ sở pháp lý và chính sách kinh tế.
Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, cho biết, đến nay có hơn 300 DN Đức đang đầu tư tại Việt Nam với 328 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Đức đạt 15,6 tỷ USD. Đức không phải là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, với số vốn hàng chục tỷ USD. Nhưng các dự án đều mang tính bền vững và lâu dài từ 20-30 năm, với công nghệ hiện đại.
Các DN Đức tới Việt Nam không chỉ tận dụng những ưu đãi rồi nhập nguyên vật liệu về sản xuất hàng xuất khẩu, mà luôn gắn kết với các DN và kinh tế địa phương, tạo ra sự lan tỏa.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực đào tạo nghề, do các DN Đức đều sử dụng công nghệ hiện đại, vì vậy cần có nguồn nhân lực có trình độ để vận hành. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao được các DN Đức triển khai trên khắp cả nước và nguồn nhân lực này sẽ phục vụ cho kinh tế Việt Nam. Nếu chỉ chọn những nơi có nguồn nhân công giá rẻ thì có nhiều quốc gia khác rẻ hơn Việt Nam và các DN sẽ di chuyển tới đó. Tuy nhiên, với nguồn nhân lực chất lượng cao thì không phải ở đâu cũng có, đó sẽ là lợi thế để cạnh tranh, ông Marko Walde nhấn mạnh.
Lo ngại chính sách thay đổi đột ngột
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề lo ngại. Các DN Đức cần một môi trường kinh doanh minh bạch và ổn định cùng sự tin cậy, chắc chắn. Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã cơ bản ổn định, nhưng các DN Đức không ít lần gặp phải những sự cố bất ngờ bởi các quy định thay đổi đột ngột, không tính tới được.
Chẳng hạn như Nghị định 116 /2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, ban hành cuối năm 2017. Trong đó, có những quy định như ô tô nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng chủng loại theo lô, hay đường thử xe nâng từ 500m lên 800m,... thì không DN sản xuất kinh doanh nào tính tới.
Nghị định này gây ra khó khăn rất lớn cho các DN. Nó không khác gì một sự "đánh úp" các DN, khiến nhà đầu tư nước ngoài rất lo ngại về sự thay đổi đột ngột này, không thể lường trước được, ông Marko Walde nhận xét.
Theo kết quả khảo sát, có tới 51% DN Đức nhận định chính sách kinh tế tại Việt Nam là một thách thức đối với sự phát triển của họ trong vòng 12 tháng tới. Ngoài ra là những yếu tố khác như: thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao (có 44% DN lo ngại), chi phí nhân sự tăng cao (31% DN lo ngại), các rào cản thương mại (28%), an toàn pháp lý (23%) và giá năng lượng (21%),...
Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức cũng kỳ vọng Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ DN trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các cụm công nghiệp điển hình với các thế mạnh của từng vùng, qua đó tăng liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, hợp tác trao đổi kinh nghiệm, công nghệ và cùng phát triển.
Cùng với đó, xây dựng một hệ thống giáo dục đào tạo nghề mang tính thực tiễn cao, giúp đào tạo đội ngũ kế cận có trình độ, học thức chuyên môn và kỹ năng thực hành, giao tiếp tốt. Đây chính là yếu tố lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và bảo đảm sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Đồng thời, Việt Nam cần gây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, sáng tạo và hỗ trợ về tài chính, về đào tạo, về môi trường để giúp các DN khởi nghiệp và DN vừa và nhỏ trong nước có cơ hội tiếp cận nhà đầu tư, công nghệ và kỹ thuật.