Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều 12/12, trước vấn đề được đặt ra là thời điểm này giữ hay không giữ Quỹ Bình ổn xăng dầu , ông Hoàng Anh Tuấn - đại diện Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 chia sẻ, quan điểm của Ban soạn thảo là tiếp tục giữ Quỹ Bình ổn điều tiết thị trường xăng dầu.
Theo Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, dự kiến, Nghị định 83 sẽ được sửa đổi những nội dung như: Quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu; Về đối tượng quản lý; Về cơ chế điều hành giá xăng dầu; Nội dung về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu; Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Rà soát quy định về thuế nhập khẩu xăng dầu, chế độ ghi chép và hoạch toán tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; Về điều kiện phòng thử nghiệm trong quản lý chất lượng xăng dầu...
Ông Tuấn, Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) sau 5 năm có hiệu lực, đã giúp công tác quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu ngày càng minh bạch, công khai; kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Vấn đề bỏ hay giữ quỹ bình ổn xăng dầu từng được đặt ra nhiều lần. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng cho biết, ông rất mong muốn không có quỹ bình ổn xăng dầu vì dễ cho nhà điều hành nhưng ở Việt Nam có khái niệm “lạm phát kỳ vọng”, chỉ cần giá xăng tăng thì nhiều mặt hàng cũng tăng, ảnh hưởng đầu vào doanh nghiệp, ảnh hưởng CPI do vậy việc sử dụng quỹ bình ổn là cần thiết.
Đại diện Hiệp hội xăng dầu Việt Nam từng chia sẻ trên báo chí rằng, thời gian vừa qua quỹ bình ổn xăng dầu đang bị lạm dụng, chi nhiều để giữ giá khiến doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng để bù, tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Thế nhưng, trong những văn bản gửi Chính phủ, cơ quan này lại cho rằng việc trích lập quỹ bình ổn 300 đồng/lít khiến người tiêu dùng "thiệt hơn là lợi" khi phải ứng trước tiền cho quỹ!