"Kết quả kinh doanh đó là nỗ lực tự thân của doanh nghiệp và có yếu tố may mắn. Tự nhiên chúng tôi ngồi mát ăn bát vàng sao được", ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bày tỏ lại buổi họp tổng kết năm 2018 diễn ra ngày 7/1.
Bán vốn Nhà nước đạt hiệu quả đột biến
Ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, năm 2018 có nhiều khó khăn, nhưng SCIC vẫn đạt kết quả kinh doanh vượt bậc.
Cụ thể, doanh thu ước là 12.582 tỷ đồng, đạt 159% kế hoạch, trong đó doanh thu cổ tức ước là 3.399 tỷ đồng, đạt 138% kế hoạch.
Doanh thu bán vốn ước là 7.692 tỷ đồng (lãi chênh lệch 5.076 tỷ, gấp 8 lần cùng kỳ).
Doanh thu tài chính đạt 1.480 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kì năm 2017.
Lợi nhuận trước thuế năm 2018 ước là 9.467 tỷ đồng, đạt 153% kế hoạch, tương ứng 142% thực hiện năm trước.
Lợi nhuận sau thuế ước là 8.253 tỷ đồng, đạt 152% kế hoạch và tương ứng 130% so với cùng kì năm 2017.
Trong năm 2018, SCIC nộp ngân sách trên 6.990 tỷ đồng.
Đến 31/12/2018, danh mục doanh nghiệp của SCIC gồm 145 doanh nghiệp với giá trị vốn Nhà nước gần 16.740 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 85.082 tỷ đồng.
Ông Thành nhấn mạnh, công tác bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2018 của SCIC đạt hiệu quả đột biến, đem lại giá trị thặng dư lớn.
Trong năm 2018, SCIC bán vốn thành công tại 9 doanh nghiệp, tổng giá trị doanh thu ghi nhận là 7.693 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 5.706 tỷ đồng, trên giá vốn là 2.617 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,94 lần.
Hai thương vụ bán vốn nổi bật nhất là tại Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex).
Trong đó, bán vốn tại Nhựa Bình Minh thu về 2.330 tỷ đồng, giá vốn 145 tỷ, chênh lệch bán 2.185 tỷ đồng. Tại Vinaconex, với giá đấu thành công 28.900 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phần bán được hơn 7.366 tỷ đồng, giá vốn 2.549 tỷ đồng, chênh lệch hơn 4.800 tỷ đồng.
"Chỉ cần đánh giá công bằng"
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCIC nhận định, năm 2018 khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng SCIC vẫn đạt kết quả kinh doanh tốt.
"Tôi là người đứng đầu SCIC, nhưng không muốn tô bức tranh quá đẹp về doanh nghiệp, mà chỉ cần đánh giá công bằng, xem xét hiệu quả thoái vốn toàn diện, chứ không qua một số thương vụ", ông Chi nói.
Minh chứng ở khoản đầu tư vào Vinaconex, ông Chi nhớ lại, cách đây vài năm khi đầu tư vào Vinaconex hơn 2.000 tỷ đồng, dư luận từng đặt ra câu hỏi, tại sao lại để tiền vào một công ty thua lỗ như thế.
Tuy nhiên, theo ông, nếu không đầu tư vào thời điểm ấy, công ty sẽ phá sản và vốn Nhà nước bị mất. Sau đó, Vinaconex đã dần dần vượt qua khó khăn, lợi nhuận được chia tăng dần. Kết quả là, vừa qua SCIC đã có thương vụ bán vốn rất thành công tại Vinaconex.
Trả lời về kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại SCIC, Phó tổng giám đốc Nguyễn Chí Thành cho biết SCIC đã chấp hành đúng chủ trương, quy định về quản lý tài chính, chế độ kế toán, các văn bản pháp luật liên quan tới sản xuất, kinh doanh, quản lý, sử dụng vốn, tài sản. Kiểm toán Nhà nước đã có biên bản, kết luận và không có vấn đề gì có thể tạo ra sai phạm.
Tuy nhiên, báo cáo cũng có đề cập một phần đến việc đầu tư tại khu đất số 6 Thăng Long (phường 4, quận Tân Bình, TP. HCM) được Kiểm toán Nhà nước yêu cầu SCIC rút kinh nghiệm.
Cũng theo ông, trong một số khoản đầu tư SCIC tiếp nhận từ doanh nghiệp khác, do tồn tại tài chính từ trước nhưng vì vốn Nhà nước vẫn còn nên SCIC nhận và phải tiếp tục tái cơ cấu. SCIC đã thực hiện phân loại, đưa vào danh mục thoái hoặc vào diện giám sát đặc biệt.