Trong lộ trình xây dựng dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2015 của Chính phủ, các đầu mối chức năng đang tiếp tục có ý kiến về các nội dung cụ thể để cùng hoàn thiện.
Theo báo cáo tập hợp ý kiến các bộ, ngành mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, giảm lãi suất cho vay là một mục tiêu nhận được ý kiến và lập luận từ Ngân hàng Nhà nước .
Dự thảo có nêu mục tiêu “Giảm lãi suất cho vay trung bình bằng mức so với các nước ASEAN-4”. Ngân hàng Nhà nước đề nghị bỏ mục tiêu này.
Nguyên do, thứ nhất, lãi suất cho vay của Việt Nam năm 2020 đã tương đương với các quốc gia trong khu vực có điều kiện tương đồng.
Ngoài ra, thứ hai, theo Ngân hàng Nhà nước, diễn biến lãi suất của một quốc gia tăng/giảm còn phụ thuộc lớn vào diễn biến kinh tế vĩ mô, cấu trúc nền kinh tế, năng lực cạnh tranh nội tại của từng quốc gia. Trong khi đó diễn biến kinh tế vĩ mô, cấu trúc kinh tế của Việt Nam có nhiều điểm khác biệt khá lớn so với ASEAN-4 (cấu trúc thị trường tài chính và mức độ phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, độ mở cửa của dòng vốn, năng lực cạnh tranh và trình độ quản trị doanh nghiệp ảnh hưởng đến mức độ rủi ro trong cho vay, kỳ vọng lạm phát của nền kinh tế…).
Ở điểm trên, Ngân hàng Nhà nước giải thích cụ thể hơn: Theo xếp hạng tín nhiệm quốc gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm (S&P, Moody’s, Fitch Ratings), mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam thấp hơn nhóm ASEAN-4. Do đó hệ số rủi ro tín dụng của Việt Nam cao hơn các quốc gia ASEAN-4. Chính vì vậy về nguyên tắc lãi suất cho vay tại Việt Nam phải phản ánh mức độ rủi ro này nên có xu hướng phải cao hơn lãi suất cho vay của nhóm ASEAN-4.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, xét về lý thuyết kinh tế học thuần túy (Lý thuyết về điều kiện lãi suất danh nghĩa ngang bằng) đã khẳng định chênh lệch lãi suất giữa hai quốc gia được thể hiện bởi chính sự biến động của tỷ giá của đồng tiền của hai quốc gia đó. Vì vậy, nếu áp đặt “Giảm lãi suất cho vay trung bình bằng mức so với các nước ASEAN-4” thì cũng đồng nghĩa với việc cố định tỷ giá VND với đồng tiền của ASEAN-4. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng điều này là hoàn toàn phi thực tế trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn.
“Do đó, định hướng “Giảm lãi suất cho vay trung bình bằng mức so với các nước ASEAN-4” là trái với các nguyên lý cơ bản của kinh tế thị trường như đề cập ở trên, không phù hợp với tính chất điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường và tương quan cấu trúc kinh tế giữa Việt Nam với các nước ASEAN-4”, văn bản góp ý của Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Liên quan đến nội dung trên, Phụ lục 2 của dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có dẫn thông tin cho biết: Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), có thể thấy lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi về Quốc hội cuối năm 2020 cũng nêu các dữ liệu so sánh: Tính đến tháng 7/2020, lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%, Việt Nam 7,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam (4,5%/năm) hiện thấp hơn mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4. Nếu so với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia (9,41%), Mông Cổ (16,92%), Bangladesh (7,79%), Myanmar (14,5%), và Ấn Độ (9,05%) thì lãi suất Việt Nam chỉ ở mức trung bình.