Theo dự đoán của Maybank IBG, NHNN sẽ không điều chỉnh lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2022 sau động thái tăng mạnh vừa xong.
Kinh tế gia Brian Lee Shun Rong và Kinh tế trưởng Chua Hak Bin của Maybank IBG vừa cho phát hành báo cáo phân tích liên quan đến động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/9.
Theo hai chuyên gia đánh giá, việc tăng lãi suất sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến sự phục hồi kinh tế, dự báo tăng trưởng GDP vẫn được duy trì lần lượt là +8% cho năm 2022 và +6% cho năm 2023.
Tăng lãi suất nhằm ổn định tỷ giá
NHNN đã bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ sau đại dịch với việc tăng lãi suất điều hành lên 100 điểm cơ bản, việc sửa đổi có hiệu lực từ ngày 23/9, vượt qua dự báo của tập đoàn Maybank IBG và đồng thuận của thị trường là +25 điểm cơ bản vào cuối năm 2022. Việt Nam là nước cuối cùng trong ASEAN-6 nâng lãi suất điều hành.
Chuyên gia nêu, chỉ trong một lần thay đổi, lần tăng này đã bù lại hai trong số ba lần cắt giảm 50 điểm cơ bản được thực hiện đối với lãi suất tái cấp vốn và chiết khấu vào năm 2020 để hỗ trợ khi nhu cầu suy yếu do COVID-19. Tuy nhiên, lãi suất điều hành vẫn phù hợp, vì vẫn thấp hơn 100 điểm cơ bản so với mức trước đại dịch.
Việc tăng lãi suất chủ yếu nhằm phản ứng với việc tỷ giá đang suy yếu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ và nhà đầu tư nước ngoài rút vốn.
Có vẻ như có một số lo ngại rằng việc tỷ giá USD/VND tăng tiếp tục sẽ làm trầm trọng thêm rủi ro lạm phát (thông qua việc tăng chi phí nhập khẩu), tuy nhiên lạm phát toàn phần trung bình hàng năm và lạm phát cơ bản vẫn ở mức tương ứng là +2,5% và +1,6%.
Cho dù lạm phát có thể sẽ tăng lên trong những tháng tới, nhưng khó có khả năng vượt mục tiêu +4% của NHNN dựa trên mức trung bình hàng năm (dự báo của Maybank IBG cho năm 2022 là +3,4%).
Bất chấp sự can thiệp sâu, đồng Việt Nam (VND) đã mất khoảng -4% giá trị so với USD từ đầu năm đến nay (nhưng vẫn là một trong những đồng tiền hoạt động tốt nhất của ASEAN). Theo ước tính của các tổ chức trong nước, NHNN đã bán khoảng 13 tỷ USD dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay để giữ tỷ giá (tương đương 11% mức dự trữ cao điểm vào cuối tháng 1).
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN vào ngày 22/9 xem xét việc tăng lãi suất, sau lần tăng thứ ba liên tiếp của Fed đạt +75 điểm cơ bản vào ngày 21/9 và kế hoạch tăng tốc hơn trong sắp tới.
Báo của của MSVN đề cập, động thái của NHNN nhằm ổn định tỷ giá bằng cách nới rộng sự khác biệt giữa lãi suất điều hành giữa trong nước và Mỹ. Lãi suất tái cấp vốn hiện cao hơn +1,75% điểm so với cận trên của Fed Funds Rate (3 - 3,25%), trong khi lãi suất chiết khấu cao hơn +0,25% điểm (so với trước khi tăng lãi suất, sự khác biệt lần lượt là +0,75% điểm cho và -0,75% điểm).
Trong phạm vi áp lực bán đối với VND giảm bớt, việc tăng lãi suất cũng có thể làm giảm quy mô can thiệp ngoại hối cần thiết để ổn định VND, tránh ảnh hưởng nguồn dự trữ ngoại hối.
Dự trữ ngoại hối vẫn ở mức ổn định ở mức khoảng 100 tỷ USD (cao hơn 28% so với cuối năm 2019 - mức trước đại dịch), cho thấy rằng NHNN vẫn có khả năng hỗ trợ tiền tệ mà không cần tăng thêm lãi suất.
Kỳ vọng NHNN sẽ không tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2022
Maybank IBG không cho rằng việc tăng lãi suất sẽ tác động đáng kể đến phục hồi kinh tế do Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ đà phục hồi. Ngoài ra, giới hạn tăng trưởng tín dụng tổng hợp, là công cụ chính sách tiền tệ chính của NHNN để quản lý lạm phát và tăng trưởng, vẫn không thay đổi ở mức +14% trong năm.
Vào đầu tháng 9, NHNN đã nâng giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với một số ngân hàng để thúc đẩy cho vay đối với các ngân hàng “đáp ứng một số yêu cầu về lãi suất và quản lý nợ xấu”, do một số ngân hàng gần đạt giới hạn room tín dụng.
Theo dự đoán của Maybank IBG, NHNN sẽ không điều chỉnh lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2022 sau động thái tăng mạnh của tháng này. Maybank IBG nghĩ rằng các nhà điều hành có thể không muốn thắt chặt quá mức và cản trở việc phục hồi kinh tế. NHNN vẫn có đủ dự trữ để bảo vệ VND mà không phải tăng lãi suất thêm nữa.
Tuy nhiên, rủi ro đối với dự báo lãi suất của Maybank IBG đang có xu hướng tăng. Tại buổi làm việc với Thủ tướng, Thống đốc NHNN cho biết “NHNN sẽ theo dõi diễn biến thị trường để có những biện pháp điều hành phù hợp”. Maybank IBG cho rằng điều này ngụ ý rằng NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của tỷ giá. Trong trường hợp áp lực bán ra đối với VND tiếp tục gia tăng bất chấp mức tăng 100 điểm cơ bản này, NHNN có thể lựa chọn tăng thêm.
Maybank IBG nâng dự báo tăng lãi suất lên +50 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 (từ +25 điểm cơ bản trước đó). Điều này sẽ đưa tỷ lệ lãi suất thấp hơn -50 điểm cơ bản so với mức trước đại dịch. NHNN có thể vẫn giữ xu hướng tăng lãi suất trong năm tới để tránh bị tụt so với đường cong lãi suất cũng như so với các ngân hàng trung ương khác của khu vực trong bối cảnh Fed tăng lãi suất. Nhưng NHNN có thể sẽ nhận thức được sự cần thiết phải duy trì một lập trường thích ứng, trước những rủi ro suy thoái toàn cầu đang gia tăng, đe dọa đà tăng trưởng.
Với quan điểm của Maybank IBG, việc tăng lãi suất sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến sự phục hồi, duy trì dự báo tăng trưởng GDP lần lượt là +8% cho năm 2022 và +6% cho năm 2023. Dự báo lạm phát trung bình hàng năm của Maybank IBG là 3,4% cho năm 2022 và 3,6% cho năm 2023 cũng không thay đổi. Nhóm chuyên gia tỷ giá ngoại hối của Maybank IBG dự đoán USD/VND sẽ ở mức 23.500 đồng vào cuối năm 2022 và 23.200 đồng vào cuối năm 2023.