Khảo sát của Dân Việt, làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm vẫn chưa dừng lại. Theo đó, tại hầu hết ngân hàng, mức lãi suất đang niêm yết dao động 5-5,7%/năm cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng.
Ngoài ra, lãi suất các khoản tiền gửi dài hạn, tùy từng đơn vị, hiện cũng giảm từ 0,1% đến 1,3% so với cuối năm ngoái.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán KB (KBSV) dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024.
Về lãi suất cho vay, KBSV cho rằng chênh lệch kỳ hạn và độ trễ của tác động giảm lãi suất sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, giúp lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Theo đó, các khoản huy động với chi phí cao của ngân hàng hầu hết sẽ đáo hạn đầu năm 2024, giúp giảm chi phí vốn từ đó giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2023 đã khiến nợ xấu của toàn hệ thống tăng quý thứ tư liên tiếp, lên mức 2,2%. Chưa kể, dự báo tình hình nợ xấu trong năm 2024 có thể áp lực do (1) thông tư 02 hết hiệu lực và (2) bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp.
Theo đánh giá của KBSV, đây sẽ làm một yếu tố ảnh hưởng tới lãi suất cho vay trong năm 2024.
Bên cạnh đó, ngân hàng được dự báo vẫn sẽ là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp khi thị trường trái phiếu vẫn chưa phục hồi, trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 cao kỷ lục lên tới gần 258 nghìn tỷ. Do đó, lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu.
Với những luận điểm trên, KBSV cho rằng lãi suất cho vay bình quân có dư địa để giảm thêm 0,75 - 1,0 điểm % trong năm 2024.
Dĩ nhiên vẫn có những kỳ vọng mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục giảm thêm trong năm 2024, dù vậy dư địa giảm tuy có nhưng sẽ không còn nhiều, khi mà mặt bằng lãi suất hiện tại của nhiều ngân hàng được đánh giá đã rớt về mức thấp hơn cả trong giai đoạn dịch Covid-19.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, dư địa lãi suất tiếp tục giảm trong năm nay là có.
"Mới đây, FED đã công bố chưa có thay đổi chính sách lãi suất của họ. Có nghĩa là sẽ không tăng cũng không giảm lãi suất thời gian tới. Tuy nhiên, rất nhiều dấu hiệu cho thấy FED sẽ tìm hiểu sâu hơn về tình hình nền kinh tế Mỹ cũng như các vấn đề nội tại của Mỹ liên quan đến vĩ mô và vi mô để có các chính sách phù hợp. Động thái này cho thấy FED rất tích cực và sẵn sàng cho việc giảm lãi suất tại những kỳ soát xét lại sắp tới", ông Phương nói.
Theo chuyên gia này, khả năng FED sẽ giảm lãi suất trong kỳ soát xét tới là khá cao. Khi đó, gần như tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ hạ lãi suất và NHNN Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
"Đây là điều kiện tiền quyết nhất, cũng là dư địa để NHNN căn cứ để giảm lãi suất điều hành", ông Phương nhận xét.
Một nguyên nhân khác cũng sẽ giúp cho NHNN "mạnh tay" giảm lãi suất thời gian tới là hưởng ứng lời kêu gọi cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục xây dựng chính sách tiền tệ hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế, hỗ trợ cho các DN Việt Nam vượt qua khó khăn cũng như nâng cao vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Theo đó công cụ lãi suất cũng là công cụ cực kỳ hiệu quả, mang đến lợi ích cho DN cũng như giúp cho nền kinh tế hồi phục tốt hơn.
Cuối cùng, tỷ giá hiện nay khá ổn định. Đặc biệt, thường dịp vừa qua năm mới thì nguồn cung ngoại tệ sẽ khá dồi dào do lượng kiều hối đổ về rất lớn.
"Đặc trưng của Việt Nam là lượng Việt Kiều về nước cuối năm khá nhiều, lượng kiều hối đổ về cho người thân cũng lớn. Chưa kể, đầu năm mới thì các DN nước ngoài có thể giải ngân vào đầu tư tại Việt Nam để xây dựng nhà xưởng hay mua máy móc thiết bị, nguyên vật liệu… từ đó giúp cho nguồn ngoại tệ tăng lên. Khi tình trạng ngoại hối ổn định như trên, NHNN sẽ 'tự tin' hơn để giảm lãi suất bởi một trong những cản trở của việc giảm lãi suất là tỷ giá không ổn định và có khuynh hướng tăng lên, khi đó NHNN buộc phải tăng lãi suất điều hành lên", ông Phương nhận định.
Vẫn có những yếu tố tiêu cực
Mặc dù dư địa giảm lãi suất là có, tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý một số yếu tố có thể tác động tiêu cực lên xu hướng lãi suất trong thời gian tới.
Thứ nhất là các căng thẳng địa chính trị gia tăng, nguy cơ xung đột quân sự lan rộng, đặc biệt ở khu vực Trung Đông, có thể đẩy giá các mặt hàng năng lượng, lương thực… tiếp tục đi lên.
Theo đó, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát lạm phát khá thành công trong những năm qua, tuy nhiên, áp lực từ diễn biến thị trường bên ngoài vẫn luôn rất khó lường. Đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, nhiên vật liệu từ thị trường quốc tế.
Thứ hai, tăng trưởng tín dụng có thể khả quan hơn trong năm 2024, khi nhu cầu vay của doanh nghiệp sẽ phục hồi dần theo triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực hơn.
Thứ ba, trong khi dòng vốn đầu ra có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn, dòng vốn đầu vào của các ngân hàng có thể đối mặt với thách thức khi dòng tiền tiết kiệm có thể sẽ dịch chuyển dần sang các kênh đầu tư khác, khi lãi suất ngân hàng hiện nay không còn hấp dẫn nếu so với lạm phát kỳ vọng và tăng trưởng của nền kinh tế.
Cuối cùng, nếu lãi suất tiền đồng xuống quá thấp so với lãi suất của các ngoại tệ khác, có thể dẫn đến tình trạng đô la hóa xuất hiện trở lại.