Báo cáo tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 tổ chức ngày 2/6 vừa qua, Chính phủ cho biết, tình hình KTXH tháng 5/2020 đã có nhiều biến chuyển tích cực. Vấn đề khôi phục thị trường nội địa với sức sống mạnh mẽ đã được phát động, các trung tâm du lịch lớn đón đông du khách nội địa. Các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt nặng nề do COVID-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp. Một điều đáng mừng khác là nhiều tỉnh, thành phố có quyết tâm rất cao trong phát triển, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 2020.
Trong tháng 5/2020, có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,5%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,5% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4,8%.
Nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm là kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Lãi suất điều hành giảm, chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 4,39% so với cùng kỳ.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt. Tính đến ngày 20/5, huy động vốn tăng 1,85%; tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lần 2 các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã sôi động hơn nhờ tình hình dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thiết lập trạng thái bình thường mới.
Trở lại với diễn biến của thị trường tiền tệ, với mức tăng trưởng huy động vốn 1,85% so với cuối năm 2019, tính toán của chúng tôi cho thấy tương đương với đã có thêm gần 200.000 tỷ đồng được gửi thêm vào hệ thống trong thời gian qua. Như vậy mặc dù lãi suất giảm tới 2 lần liên tiếp (trong tháng 3 và tháng 5) song dòng tiền gửi vào các ngân hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng. Hơn nữa, so với tăng trưởng tín dụng (lượng vốn bơm ra nền kinh tế) thì nguồn tiền gửi vào các ngân hàng cũng vẫn tăng với tốc độ cao hơn đáng kể.
Và nhờ có nguồn tiền vào ngân hàng tốt nên thanh khoản trong hệ thống thời gian qua khá dồi dào. Trên liên ngân hàng, lãi suất các ngân hàng đang vay mượn nhau ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, với các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần (chiếm hơn 80% tổng lượng giao dịch) chỉ chưa đến 0,5%/năm.
Lãi suất huy động giảm
Trong 5 tháng đầu năm các ngân hàng đã 2 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong đó lần 1 vào ngày 17/3 từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm và lần thứ 2 vào ngày 13/5 điều chỉnh về 4,25%/năm. Một số ngân hàng, dựa vào nhu cầu vốn của mình, tiếp tục điều chỉnh giảm thêm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn ngay trong ngày đầu tháng 6. Hiện nay các ngân hàng phổ biến niêm yết lãi suất kỳ hạn ngắn ở quanh mức 4%/năm, thậm chí có những nhà băng chỉ chào mức 3,8%/năm.
Lãi suất tiền gửi trung và dài hạn cũng được các ngân hàng điều chỉnh giảm đáng kể. Hiện nay lãi suất từ 6 tháng cho đến 11 tháng phổ biến ở mức 5,1- 6,6%/năm (thậm chí như Vietcombank chỉ 4,9%/năm); trong khi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6 - 7,4%/năm. Ngoài ra nếu như vài tháng trước có một số ngân hàng chào lãi suất từ 6 tháng đến dưới 12 tháng tới mức 7,5 - 8%/năm thì hiện nay không còn, các mức lãi suất hơn 8% cũng hiếm xuất hiện, nếu có thì chỉ áp dụng cho những khoản tiền gửi rất lớn từ hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng.
Theo các ngân hàng, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động là để tiết giảm chi phí và có thêm điều kiện để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh.