Cụ thể, với tiền gửi trực tuyến – sản phẩm có lãi suất cao nhất tại SHB , lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng tại SHB được tăng lên 3,5%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 8-15 tháng cũng tăng lên 3,6%/năm.
SHB giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại: kỳ hạn 6-8 tháng có lãi suất 4,7%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng được niêm yết 4,8%/năm.
Từ kỳ hạn gửi tiền 12 tháng trở lên, lãi suất SHB được niêm yết ở mức trên 5%/năm (kể từ tháng 5/2024). Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 tháng do SHB công bố là 5,2%/năm, các kỳ hạn 13-15 tháng có lãi suất 5,3%/năm, kỳ hạn 18 tháng 5,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng 5,8%/năm.
Lãi suất huy động cao nhất được SHB niêm yết lên đến 6,1%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 36 tháng trở lên.
Sau điều chỉnh, SHB là ngân hàng thương mại thứ 18 tăng lãi suất huy động trong tháng. Trước đó, MB, VPBank và Sacombank cũng có động thái tương tự.
Sau khi giảm xuống vùng thấp lịch sử, lãi suất huy động đã rục rịch tăng trở lại từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Bước sang tháng 7, đã có 18 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động , gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, VPBank, PVCombank, PGBank, Sacombank, BIDV, ABBank, Bac A Bank và SHB .
Trong đó, VietBank là ngân hàng duy nhất đến thời điểm này tăng lãi suất lần thứ ba kể từ đầu tháng; Saigonbank, ABBank và VIB cũng tăng lãi suất huy động lần thứ hai trong tháng.
Trong nghiên cứu mới công bố, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, từ đầu quý II năm nay, mặt bằng lãi suất VND bắt đầu tăng; và đến giữa năm, mức lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5 -1%/năm cho các kỳ hạn khác nhau.
Ngân hàng UOB dự báo mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25% đến 0,75% tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức khoảng từ 3% đến 6% vào cuối năm 2024. Đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4% và tỷ giá USD/VND có thể biến động 4-5% trong năm 2024".
Tại hội thảo “Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm” do Báo Đầu tư tổ chức, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá, lãi suất là chỉ báo vô cùng quan trọng cho thị trường tài chính. Hiện nay lãi suất (lãi suất tiết kiệm , lãi suất cho vay, lãi suất liên ngân hàng,...) đang có xu hướng tăng, trong khi đó chúng ta đều mong muốn lãi suất sẽ giảm xuống nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Dẫn chứng, ông cho biết lãi suất liên ngân hàng quý I/2024 chỉ mới 0,3%, sang quý II đã "nhảy vọt" lên 4%. Điều này cho thấy, thanh khoản đang trở nên có vấn đề, theo ông Nghĩa.
"Khi tăng trưởng cao, kinh tế phục hồi thì lãi suất cũng cao hơn do nhu cầu vốn tăng lên. Do đó, tôi đồng ý với ý kiến rằng dù chúng ta có tìm cách kiềm chế lãi suất, nó vẫn dần tăng trở lại. Hiện chưa có yếu tố hỗ trợ cho việc giảm lãi suất như chúng ta mong muốn. Điều này không hề nguy hiểm, hơn nữa còn có lợi cho nền kinh tế", TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định.