Chị Hoàng Anh (ngụ quận 9, TP HCM) đang có 200 triệu đồng tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm ở ngân hàng (NH), cho biết lãi suất tiền gửi gần đây có xu hướng giảm khá mạnh, nhất là ở các kỳ hạn ngắn. Khoảng vài tháng trước, chị gửi tiền kỳ hạn 1 tháng ở một NH cổ phần quy mô vừa với mức lãi suất trên 5%/năm nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 4,6%-4,7%/năm.
Xu hướng giảm lãi suất huy động đang diễn ra ở nhiều NH. Cụ thể, sau khi có 3 lần điều chỉnh giảm trong tháng 4, NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tiếp tục hạ thêm lãi suất tiền gửi trong biểu niêm yết gần nhất, với mức giảm 0,2%/năm ở các kỳ hạn ngắn. Hiện lãi suất kỳ hạn 1 tháng của NH này chỉ còn 4,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng 4,6%/năm. Các kỳ hạn từ 6-11 tháng giảm còn 5,5%/năm, thay vì mức 5,8%/năm như trước đó.
Lãi suất huy động tiếp tục giảm
NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất kỳ hạn 2 tháng có dự thưởng về mức 5,2%/năm. Trước đó, nhiều NH khác như BIDV, Vietinbank, Eximbank, VPBank… đã thay đổi biểu lãi suất ở một số kỳ hạn theo hướng giảm.
Hiện trần lãi suất huy động dưới 6 tháng được NH Nhà nước quy định tối đa 5,5%/năm nhưng thực tế rất nhiều NH đang niêm yết dưới mức này, thậm chí một số NH thương mại nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank đang huy động tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng chỉ 4,1%/năm.
Theo số liệu của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, trong 5 tháng đầu năm, huy động vốn bằng tiền đồng tăng 7,4% cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ. Tốc độ tăng tín dụng cũng ở mức khá cao nhưng vẫn thấp hơn huy động tiền gửi, khiến một số NH thương mại hạ lãi suất đầu vào để giảm chi phí.
Một lãnh đạo Sacombank cho biết lãi suất cho vay ngắn hạn một số doanh nghiệp lĩnh vực ưu tiên được NH áp dụng chỉ còn 6,5%/năm, nên giảm lãi suất tiền gửi là hợp lý để giảm chi phí đầu vào trong bối cảnh huy động vốn khả quan.
Theo một số lãnh đạo NH thương mại, động thái giảm lãi suất huy động gần đây một phần nhằm cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn, theo hướng khuyến khích người dân gửi kỳ hạn dài.
Ngoài ra, yếu tố khác khiến lãi suất đầu vào liên tục được điều chỉnh là tín dụng ở nhiều NH đã tăng mạnh ngay từ đầu năm, thậm chí có lĩnh vực đã "đụng trần" cho phép. Năm nay, NH Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 17% và có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Một lãnh đạo NH Nhà nước từng chia sẻ với báo Người Lao Động rằng có thể tín dụng chỉ tăng ở mức 14% trong cả hệ thống để kiểm soát dòng vốn ra thị trường tốt hơn và hỗ trợ kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, hiện một số NH thương mại tín dụng đến thời điểm này đã tăng 7%-8%, thậm chí có NH tăng hơn 9% nên giảm lãi suất đầu vào là giải pháp cần thiết để giảm chi phí.
"Bản chất là một số NH đang thừa vốn, nếu giữ mức lãi suất tiền gửi như hiện nay sẽ tốn kém chi phí nên hạ lãi suất là tất yếu. Đồng thời, hạ lãi suất huy động sẽ tạo cơ hội để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp" - phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM nói.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NH Nhà nước, cho biết mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục ổn định trong nửa đầu năm. Thời gian tới, NH Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; kiểm soát tín dụng phù hợp định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, nâng cao chất lượng tín dụng cũng như kiểm soát vốn các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…