Báo cáo thị trường tiền tệ tuần đến ngày 21/6 của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Research) cho biết, tuần qua, NHNN hút ròng 3.179 tỷ đồng chủ yếu bằng tín phiếu, đẩy số lượng tín phiếu lưu hành lên xấp xỉ 68 nghìn tỷ đồng.
Thanh khoản vẫn dồi dào khiến lãi suất trên liên ngân hàng giảm nhẹ 5-17 điểm cơ bản (bps) ở các kỳ hạn ngắn, hiện ở mức 3,1%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,28%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Ngược lại, kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng tăng nhẹ 7bps và 2bps. Chênh lệch lãi suất qua đêm của VND-USD giảm về mức 0,65%/năm.
Lãi suất huy động thị trường 1 vẫn duy trì ổn định ở mức 4,1%-5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,5-7,45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; và 6,4-7,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng trừ một số ngân hàng có thị phần huy động nhỏ đưa ra mức lãi suất trên 8%/năm.
Theo thông tin từ NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại cuối tháng 4/2019 của khối các NHTM nhà nước và khối các NHTM cổ phần lần lượt ở mức 31% và 31,5%- giảm so với mức 31,6% và 32,9% tại cuối tháng 2/2019. Mức giới hạn tối đa của chỉ tiêu này hiện tại là 40% nhưng tại dự thảo thông tư thay thế thông tư 36, NHNN đưa ra lộ trình giảm về mức 30% trong vòng 2 hoặc 3 năm tới. Theo bộ phận phân tích của SSI, lãi suất với các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) vì thế vẫn khó giảm, thậm chí có thể tăng nhẹ theo các chương trình ngắn hạn để thực hiện các mục tiêu bán niên tại 30/6/2019 của các ngân hàng.
Trước đó, như chúng tôi đã phản ánh, lãi suất kỳ hạn dài được nhiều ngân hàng đẩy lên cao thời gian qua để tranh thủ hút vốn nhằm cơ cấu lại nguồn vốn đầu vào. Ngoại trừ nhóm 4 ngân hàng lớn nhất và Techcombank áp dụng lãi suất ở quanh mức 7%/năm, thì lãi suất tiền gửi 12 tháng trở lên của các ngân hàng phổ biến là trên 7,4%/năm, cá biệt có một số đẩy lên rất cao trên 8%/năm, thậm chí là 8,5 - 8,6%/năm.