Ở khối ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước, lãi suất tiền gửi vốn đã thấp nay lại càng xuống sâu hơn. Mới đây, BIDV điều chỉnh giảm 0,2%/năm đối với lãi suất huy động kỳ hạn ba và sáu tháng. Theo đó, kỳ hạn ba tháng tại ngân hàng này sẽ có mức lãi suất 4,6%/năm; kỳ hạn sáu tháng còn 5,1%/năm. Ở kỳ hạn dài 12 và 24 tháng vẫn được BIDV duy trì mức lãi suất 6,9%/năm.
Tương tự, Vietinbank cũng giảm 0,2%/năm đẩy lãi suất các kỳ hạn từ một tháng đến dưới ba tháng cũng chỉ còn 4,1%/năm, các kỳ hạn từ ba đến dưới sáu tháng chỉ còn 4,6%/năm, trước đó lãi suất của các kỳ hạn này là 4,8%/năm.
Các kỳ hạn từ 6-11 tháng, lãi suất tại ngân hàng này ở mức 5,5%/năm. So với cuối năm 2017 thì mức lãi suất này đã giảm tới 0,5-0,7%/năm.
Eximbank kỳ hạn một tháng có lãi suất 4,6%/năm; hai tháng là 4,8%/năm và ba tháng là 5%/năm. Trong khi các kỳ hạn dài, ngân hàng này lại tăng lãi suất khá mạnh, duy trì sự cách biệt khá cao so với kỳ hạn ngắn. Kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6,8%/năm; kỳ hạn 24 và 36 tháng duy trì ở mức 8%/năm...
Trước đó, VIB có hai lần điều chỉnh giảm lãi suất. Theo đó, giảm từ 0,3-0,5%/năm so với hồi tháng một ở các kỳ hạn 1-3 tháng xuống còn 5-5,1%. Các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên cũng đã giảm 0,2-0,4%/năm. Hiện lãi suất của kỳ hạn sáu tháng là 6-6,3%/năm.
Tại ngân hàng MB, lãi suất ở nhiều kỳ hạn ngắn giảm từ 0,1 đến 0,2% so với đầu tháng hai; lãi suất kỳ hạn sáu tháng giảm 0,2% xuống còn 5,5%. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên ở mức 7,2%.
Trong khi các ngân hàng kể trên giảm nhẹ lãi suất tiết kiệm thì thời gian gần đây một số ngân hàng khác lại cộng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiền. Điển hình là HDBank kéo dài thêm chương trình cộng lãi suất tiết kiệm cho khách hàng cá nhân từ 28 tuổi trở lên gửi tiết kiệm nhận lãi cuối kỳ với thời hạn gửi sáu tháng và 13 tháng, mức cộng tối đa lên đến 0,7%/năm.
Theo các ngân hàng, lý do điều chỉnh lãi suất là do mục đích cơ cấu lại các kỳ hạn huy động, theo đó khuyến khích khách hàng gửi tiền với kỳ hạn dài hơn.