Khảo sát của chúng tôi về lãi suất huy động kỳ hạn dài tại các ngân hàng hiện nay cho thấy, đối với các khoản tiền gửi từ 12 tháng đến 24 tháng, ngân hàng chỉ áp dụng lãi suất phổ biến từ 5% đến 5,6%/năm, có thể kể đến như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Eximbank, SHB, VPBank, VIB, Agribank, HDBank, MB, Co-opBank… Thậm chí ở Techcombank, lãi suất cao nhất chỉ còn có 4,8%/năm. Đối với các khoản tiền gửi từ 36 tháng đến 60 tháng tức là từ 3 năm đến 5 năm, lãi suất cao nhất ở các nhà băng nói trên cũng chỉ hơn 6%/năm.
Nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, lãi suất đã giảm trên dưới 1 điểm phần trăm, và đây cũng là mức thấp nhất trong hơn chục năm qua.
Do lãi suất thấp, tiền gửi vào ngân hàng những tháng đầu năm nay cũng khá chậm. Số liệu từ Tổng cục thống kê về huy động vốn cho thấy, tính đến ngày 19/3/2021 (số liệu mới nhất), tăng trưởng huy động vốn toàn nền kinh tế mới đạt 0,54%, chỉ bằng 1/3 so với mức tăng trưởng tín dụng.
Còn theo báo cáo tài chính quý 1 của các ngân hàng, trong quý đầu năm nay ghi nhận có tới 10/28 nhà băng sụt giảm tiền gửi khách hàng, trong đó có sự góp mặt của cả những "ông lớn" như Vietcombank, BIDV hay VPBank, ACB…, hoặc tăng trưởng ở mức rất thấp trên dưới 1% như VietinBank, Sacombank, LienVietPostbank...
Những ngân hàng có lượng tiền gửi nhiều nhất các tháng đầu năm bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, SCB, Sacombank, ACB, MB, SHB, Techcombank và VPBank. Những ngân hàng này có lợi thế hơn so với các nhà băng khác bởi mạng lưới rộng lớn, có mối quan hệ sâu và rộng với cộng đồng doanh nghiệp, dân cư.
Do lãi suất thấp và tiền gửi còn chậm trong khi nhu cầu vốn vay lại cao, cuối tháng 5 vừa qua một số ngân hàng đã phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động, có thể kể đến như VPBank, Sacombank, TPBank, hay SHB…
Bên cạnh điều chỉnh lãi suất, một số ngân hàng tung ra các sản phẩm tiền gửi với cái tên hấp dẫn chẳng hạn như phát lộc, thịnh vượng... để hút vốn mạnh hơn, hấp dẫn hơn, với lãi suất cao hơn trên dưới 0,5 điểm % so với gửi thông thường. Với các gói này, khách hàng thường được yêu cầu không được rút trước hạn, song có thể chọn lựa linh hoạt nhiều kỳ hạn (phổ biến là từ 6 tháng trở lên) phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn của mình.
Hoặc các ngân hàng cũng triển khai sản phẩm chứng chỉ tiền gửi để hút khách hàng. Các sản phẩm này thường lãi suất cao hơn so với gửi thông thường, nhưng cũng yêu cầu khách hàng để tiền của mình lâu hơn so với gửi thông thường, phổ biến là trên 1 năm, và không được rút trước hạn.
Chẳng hạn mới nhất, SHB triển khai chứng chỉ tiền gửi với kế hoạch hút về 4.000 tỷ đồng tiền gửi thông qua hình thức này. Theo ngân hàng, với số tiền tối thiểu từ 100.000 đồng, khách hàng có thể mua chứng chỉ tiền gửi và hưởng mức lãi suất năm đầu tiên là 7,0%/năm đối với kỳ hạn 6 năm và 7,2%/năm đối với kỳ hạn 8 năm, lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường. Đi kèm lãi suất cao, ngân hàng này còn cộng ưu đãi cho khách hàng là voucher sử dụng dịch vụ phòng chờ 5 sao của ngân hàng tại Sân bay Nội Bài.
Theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, chứng chỉ tiền gửi là hình thức đầu tư dài hạn với mức lãi suất cao hơn so với các sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường. Trong khi đó, với điều kiện tham gia dễ dàng nên chương trình phù hợp với đại đa số khách hàng.
Nhìn nhận ở góc chuyên gia, nhiều ý kiến hiện nay cho rằng, thị trường chứng khoán thời gian qua hấp dẫn nhà đầu tư nhưng đang có dấu hiệu "nóng" và tiềm ẩn rủi ro, thị trường bất động sản cũng đã qua cơn sốt nóng, nhiều nhà đầu tư còn đang bị kẹt hàng… Bởi vậy người có tiền cần hết sức cân nhắc khi lựa chọn đầu tư rủi ro nhiều như vậy. Tiền gửi ngân hàng có lãi suất thấp nhưng độ an toàn là gần như tuyệt đối, nếu có nguồn vốn dài hạn không dùng đến thì có thể đầu tư thêm vào các sản phẩm khác của ngân hàng để hưởng lãi cao hơn mà cũng an toàn như tiền gửi thông thường, chẳng hạn trái phiếu ngân hàng hoặc chứng chỉ tiền gửi.