Từ đầu tháng 11, mặc dù đã có nhiều ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất huy động nhưng giới chuyên gia nhận định, vẫn chưa đủ để tạo "sóng" vào cuối năm.
Trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã có động thái hạ lãi suất lần thứ hai trong năm, xuống mức 1,25%/năm. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất kể từ 2010 của nước này.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng vừa cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) lần đầu tiên kể từ đầu năm 2016.
Trước đó, một số quốc gia tại Châu Á đồng loạt hạ lãi suất từ 2 đến 4 lần. Thậm chí, Ấn độ và Indonesia còn nới lỏng tài khóa thông qua chương trình giảm thuế khá mạnh để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo thống kê gần nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, tính từ đầu năm 2019 đến nay đã có tổng cộng 46 ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất.
Việt Nam không nằm ngoài xu hướng trên khi giảm lãi suất điều hành vào ngày 16/9. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, hy vọng giảm lãi suất điều hành tiến tới nới lỏng định lượng để thẩm thấu xuống thị trường 1 là khó khả thi. Thực tế cũng cho thấy, lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại không ngừng tăng cao kể từ thời điểm trên.
Song, sang đầu tháng 11, đã xuất hiện một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động 0,1-0,2 điểm phần trăm. Trong đó, tại VietCapital, lãi suất kỳ hạn 7 tháng từ 7,8%/năm giảm xuống còn 7,6%/năm. Ngoài ra, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 24 – 60 tháng tại ngân hàng này cũng giảm 0,1 điểm phần trăm.
Tương tự, trong biểu lãi suất huy động của Eximbank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15-18 tháng giảm xuống 8,1%/năm từ mức 8,3%/năm trước đó; lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 7,7%/năm.
Với NamABank, tại biểu lãi suất hiệu lực từ 5/11, kỳ hạn 16 tháng và 17 tháng lãi suất giảm 0,3 điểm phần trăm về mức 7,4%/năm. Hay tại VPBank, từ ngày 8/11, lãi suất tiền gửi khách hàng giảm ở hầu hết các kỳ hạn, với mức giảm trung bình 0,1%.
Không chỉ các ngân hàng tư nhân, hai trong bốn ngân hàng thương mại nhà nước cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong đó, lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn ngắn từ 1-2 tháng của BIDV giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4,3%/năm; lãi suất tại 2 kỳ hạn này ở Vietcombank là 4,5%/năm.
Nhận xét về xu hướng trên, một số lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động này nằm trong hướng phát triển của mỗi ngân hàng cũng như nằm trong chủ trương giảm lãi suất chung từ phía nhà điều hành.
Ngoài ra, năm nay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn ngành vẫn là 14% nhưng chỉ tiêu riêng từng ngân hàng là khác nhau. Tính đến hết quý 3, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết chỉ tiêu được giao, thậm chí phải xin thêm. Vì vậy, tín dụng cuối năm phải chậm lại và kéo theo việc cắt giảm lãi suất huy động để tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, thống kê tại báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, động thái cắt giảm chỉ là thiểu số, hầu hết lãi suất huy động các ngân hàng khác đều đi ngang.
Cụ thể, xét về mặt bằng chung thị trường, lãi suất huy động phổ biến trong khoảng 4,1-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 5,3-7,8%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hiện các ngân hàng đang gấp rút gây vốn, huy động vốn để đáp ứng các quy định theo Thông tư 41 vào đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, cứ đến cuối năm, các doanh nghiệp cũng như các thành phần kinh tế rất cần nguồn vốn, do đó, các ngân hàng còn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phải huy động để có đủ vốn cho vay. "Khi huy động vốn thì thường các ngân hàng hoặc là giữ nguyên lãi suất hoặc là tăng lãi suất", ông Hiếu nhận định.
Đồng quan điểm, nhóm phân tích tại SSI nhận định, khả năng việc giảm lãi suất vào thời điểm cuối năm nay là khá thấp do tính chất mùa vụ, nhưng khả năng sẽ giảm từ đầu năm 2020.
Đáng chú ý, tại một phát biểu gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Chính phủ đặt mục tiêu giảm thêm tối thiểu 0,5%/năm lãi suất cho vay trong năm 2020, đặc biệt là với các lĩnh vực ưu tiên".