Trong khi các DN muốn lãi suất tiếp tục giảm thì ngân hàng cho rằng, giảm lãi suất cũng chỉ đến mức độ nào đó, không phải cứ muốn là được vì ngân hàng cũng có khó khăn riêng.
DN muốn lãi suất hạ sâu hơn
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng, tính đến cuối tháng 4/2020 đạt 1,42%, nhưng đến giữa tháng 5 chỉ còn 1,2%. Như vậy, trong nửa đầu tháng 5/2020, tín dụng đã giảm 0,22%. Cầu tín dụng hiện rất thấp, nhiều DN chưa biết vay vốn để làm gì, hoặc không đủ điều kiện để tiếp cận vốn ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng thấp, phản ánh rõ sự khó khăn của các DN trong giai đoạn hiện nay. Thông thường, dư nợ cho vay với khối DN chiếm trên 53% trong tổng dư nợ tín dụng. Hầu hết các DN thuộc mọi lĩnh vực ngành nghề đều vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Khi sản xuất kinh doanh gặp khó thì nhu cầu về vốn giảm mạnh. Đặc biệt với khu vực DN nhỏ và vừa, tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 5/2020 đã giảm 0,8%, theo số liệu của NHNN.
Theo tính toán của giới chuyên môn, để giữ được tăng trưởng GDP mức 5% trong năm nay thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 10% trở lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng khó có thể được cải thiện trong quý 2/2020. Như vậy, để đạt mục tiêu, tăng trưởng tín dụng sẽ trông chờ vào 2 quý cuối năm.
Các DN mong muốn ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay để cứu sản xuất kinh doanh. |
Các ngân hàng thương mại cho biết đang đẩy mạnh tái cấu trúc lại các khoản vay cho DN. Điều này sẽ giúp ngày càng nhiều nhiều DN có đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện mới có khoảng 20% số DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, tiếp cận được gói hỗ trợ.
Các DN mong muốn ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay để cứu sản xuất kinh doanh. Công ty Honda Việt Nam, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tháng 4/2020 cho biết, tính hình khó khăn với sản xuất ô tô xe máy, có thể kéo dài sang tận năm 2021. Doanh số giảm, các DN sẽ không đạt kế hoạch sản xuất. Vì vậy, đã đề xuất giảm lãi suất cho vay xuống còn từ 5% - 6%/năm đối với những DN sản xuất linh kiện, phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho ô tô, xe máy. Qua đó, giúp giảm chi phí.
Còn khảo sát của VCCI mới đây cho thấy, mức lãi suất hiện vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của giới kinh doanh. Các DN mong chờ mặt bằng cho vay ngắn hạn giảm về mức 4-5%/năm.
Thời gian qua, lãi suất ngân hàng đã giảm, các DN cho biết, trước kia lãi suất cho vay kỳ hạn 6 tháng khoảng 9%/năm đã được giảm về mức 7%/năm. Tuy nhiên, lãi suất này chưa thực sự có tác động mạnh tới DN. Chẳng hạn với khoản vay 100 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng cũng chỉ giúp DN giảm được 2 tỷ đồng, không phải là nhiều.
Ông Lê Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ điện xây dựng (Agrimeco) chia sẻ, DN phải đấu thầu, chịu sự cạnh tranh để có đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, DN hiện phải vay vốn với lãi suất lên tới 9-10%/năm, chi phí lãi vay khi cộng vào đơn giá các mặt hàng, sẽ khiến DN không đủ sức cạnh tranh. Theo ông An, ngành ngân hàng nên lập mặt bằng lãi suất cho vay mới, duy trì ổn định quanh mức 6,5%/năm là phù hợp.
Hiện tại, lãi suất cho vay trung dài hạn với nhiều ngân hàng vẫn giữ ở mức trên 10%/năm. Tuy nhiên, lãi suất này cũng chỉ tính cho kỳ đầu tiên trong khoảng 3-6 tháng, sau đó lại thả nổi.
Ngân hàng cũng có khó khăn riêng
Mong muốn giảm lãi suất cho vay của DN, không phải chỉ đến thời kỳ Covid-19 mới được nêu ra, mà là nguyện vọng xuyên suốt từ nhiều năm nay.Thời điểm hiện nay, lạm phát có xu hướng hạ nhiệt. Lạm phát thấp thì không nên duy trì lãi suất huy động quá cao. Vì vậy, cần giảm lãi suất huy động xuống thấp hơn. Đây là cơ hội tốt để đưa mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống. Chỉ có giảm sâu lãi suất cho vay mới giúp kinh tế phục hồi, chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim nhận định.
Ngân hàng cho rằng, giảm lãi suất cũng chỉ đến mức độ nào đó, không phải cứ muốn là được. |
Tuy nhiên, dư địa để giảm lãi suất cho vay không còn nhiều. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, huy động vốn đầu vào của các ngân hàng trung bình đang ở mức 6-6,5%/năm. Với giá vốn cao như vậy, cộng thêm biên độ từ 3-4% nữa thì việc đưa lãi suất cho vay về mức dưới 6,5%- 7%/năm là không thể.
Lạm phát 2 tháng gần đây hạ nhiệt, tỷ giá ổn định. Chính vì vậy, NHNN đã liên tiếp hai lần hạ lãi suất điều hành. Song, giảm lãi suất cũng chỉ đến mức độ nào đó. Khi lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng, thanh khoản của hệ thống sẽ rơi vào tình trạng báo động.
Thiết lập mặt bằng lãi vay thấp là đòi hỏi chính đáng của DN. Trên thực tế, ngân hàng đã thực hiện hầu hết các giải pháp có thể tiến hành để hỗ trợ DN như giãn, hoãn nợ, giảm lãi vay, giảm phí... Song thiết lập mặt bằng lãi vay mới như kỳ vọng của DN, thì không phải muốn là được, DN cũng phải thông cảm với ngân hàng, đại diện1 ngân hàng thương mại cổ phần cho biết.
Hơn nữa, lãi suất trên thị trường vẫn do nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ dẫn dắt. Với kỳ hạn 12 tháng, một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đang huy động lãi suất từ 7,8%-8,0%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ. Đặc biệt gửi online khá dễ dàng và lãi suất cao hơn. Vì vậy, khiến cho mặt bằng lãi suất khó hạ.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng cho biết, số dư tiền gửi không kỳ hạn đang sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính khiến lượng tiền gửi không kỳ hạn tại các nhà băng giảm mạnh đến từ việc lượng lớn DN rút tiền gửi trong những tháng đầu năm và do lãi suất tiền gửi không kỳ hạn giảm.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, không nên áp dụng trần lãi suất đối với tiền gửi dài hạn như đề nghị của một số DN, vì sẽ không đúng với nguyên tắc rủi ro (kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao để bù đắp rủi ro). Hạ dự trữ bắt buộc cũng có thể là phương án đặt ra để xem xét, song chưa nên làm ngay trong thời điểm này.
Trần Thủy