Như VnEconomy đã đưa tin, ngay từ đầu tuần trước, lãi suất VND liên ngân hàng đã biến động mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Tuy nhiên, tại phiên giao dịch cuối cùng trước đợt nghỉ lễ, các mức lãi suất đã giảm nhẹ trở lại.
Cụ thể, vào ngày 26/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng tăng mạnh 0,23 – 0,25 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó.
Diễn biến tăng lãi suất còn xuất hiện ở ngày 27/4 và kéo dài đến ngày 28/4. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong ngày 28/4 này, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ở mức 1,2%/năm, với doanh số giao dịch trong ngày đạt gần 79.000 tỷ đồng. Lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tuần là 1,46%/năm, doanh số giao dịch hơn 6.800 tỷ; lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng là 1,5%/năm, doanh số giao dịch hơn 5.300 tỷ. Lãi suất bình quân kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng lần lượt là 1,77%/năm; 2,8%/năm và 2,97%/năm.
Khối lượng phát hành và lãi suất trên liên ngân hàng
Song đến phiên giao dịch sau đó, lãi suất VND liên ngân hàng đồng loạt giảm. Chốt phiên 29/4, kỳ hạn qua đêm còn 0,99%; 1 tuần 1,24%; 2 tuần 1,21% và 1 tháng 1,24%.
Trên thị trường mở tuần từ 26/04 - 29/04, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên suốt cả 4 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Với loạt diễn biến trên cùng việc mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay vẫn không thay đổi trong tuần cuối tháng 4, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, lãi suất liên ngân hàng tuần trước chỉ mang tính chất thời điểm, do nhu cầu thanh khoản các ngân hàng thương mại gia tăng trong kỳ nghỉ lê 30/4-1/5.
“Mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong quý 2/2021 do thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn khá dồi dào. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp trở lại như hiện nay, cầu tín dụng có thể bị ảnh hưởng và Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ kiên định mục tiêu giữ lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế”, nhóm nghiên cứu tại SSI đưa ra dự báo.
Trái với VND, lãi suất USD trên liên ngân hàng tuần trước khá bình ổn. Điều này làm chênh lệch lãi suất VND-USD giãn rộng trên liên ngân hàng, kéo theo tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại giảm 15 VND, về mức 22.930/23.140. Tỷ giá tự do cũng giảm mạnh tới 105 VND chiều mua vào và 85 VND chiều bán ra, về mức 23.635/23.685.
Cũng trong tuần trước, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 8.750 tỷ đồng trái phiếu ở 4 kỳ hạn 5, 10, 15 và 30 năm. Lãi suất trúng thầu giữ nguyên ở kỳ hạn 30 năm và nhích tăng 1-2 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn. Có 7.142 tỷ đồng trái phiếu phát hành, tương đương tỷ lệ trúng thầu 82%.
Như vậy, tổng lượng trái phiếu Chính phủ phát hành trong tháng 4 là 26,3 nghìn tỷ đồng, là tháng phát hành nhiều nhất từ đầu năm đến nay. Kỳ hạn phát hành bình quân của tháng 4 là 11,6 năm – ngắn hơn bình quân quý 1/2021 là 13,2 năm nhưng lãi suất trúng thầu bình quân là 2,3%/năm – cao hơn bình quân quý 1/2021 là 2,22%/năm.
Tính chung 4 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã phát hành 65,5 nghìn tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ 2020 và tương đương 18,7% kế hoạch phát hành năm 2021, kỳ hạn và lãi suất trúng thầu bình quân lần lượt là 12,58 năm và 2,25%/năm. Tuy nhiên, lượng đáo hạn 4 tháng đầu năm 2021 là 67,4 nghìn tỷ đồng, cao hơn 18.5% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn lượng phát hành mới gần 2 nghìn tỷ đồng.
Lượng phát hành tháng 4 mới chỉ hoàn thành 26% kế hoạch phát hành quý 2 nên lượng gọi thầu của kho bạc Nhà nước trong tháng 5 và tháng 6 được kỳ vọng khá cao. Song, đây cũng là 2 tháng trái phiếu chính phủ đáo hạn nhiều nhất trong năm 2021 nên nhu cầu tái đầu tư cũng lớn. Bởi vậy, lãi suất trái phiếu chính phủ nhiều khả năng sẽ chỉ dao động trong biên độ hẹp.