Diễn biến trên có ở biểu lãi suất huy động VND niêm yết trực tuyến mà Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa áp dụng từ cuối tháng 9/2019 đến nay.
Cụ thể, BIDV đã giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng, từ 4,5%/năm trước đó xuống 4,3%/năm. Còn tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - thành viên áp lãi suất huy động VND thấp nhất hệ thống trong cả năm qua, mức áp tại hai kỳ hạn này vẫn ở 4,5%/năm.
Như vậy, sau một thời gian dài BIDV đã không cạnh tranh trực tiếp với Vietcombank ở huy động hai kỳ hạn trên xét đơn thuần về so sánh lãi suất. Nhưng điểm được chú ý hơn là lãi suất huy động VND đã có thành viên có thị phần lớn giảm, dù cục bộ và chỉ ở kỳ hạn ngắn đó.
Trao đổi với BizLIVE, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, nguồn vốn huy động VND của hệ thống nói chung hiện vẫn thuận lợi và trạng thái vốn ngắn hạn dồi dào.
“Đến thời điểm này, dự kiến khá nhiều thành viên đã dùng gần hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm. Cho nên, khi chỉ tiêu còn lại hạn chế, đầu ra gần như không thể đẩy mạnh thêm thì đầu vào cũng sẽ bớt áp lực và lãi suất huy động có thể giảm để cân đối chi phí”, lãnh đạo ngân hàng trên nhìn nhận.
“Bản thân ngân hàng tôi cũng vậy, hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm đã gần hết, lãi suất huy động cũng cân nhắc sẽ giảm bớt ở một số kỳ hạn”, vị lãnh đạo ngân hàng trên cho biết thêm.
Như trên, mới chỉ mang tính cục bộ, nhưng lãi suất huy động VND có dấu hiệu dịu bớt trong thời gian tới có thể là một khả năng đặt ra. Vì năm nay, theo cơ chế đã định, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho nhiều thành viên ở mức thấp, thậm chí rất thấp, và chỉ nới ở những trường hợp đáp ứng được Basel II trước thời hạn.
Ví dụ như trường hợp BIDV ở trên, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay vào khoảng 12%, sau 6 tháng đầu năm đã đạt 7,5% và nhiều khả năng tiếp tục theo hướng dần lấp đầy trong quý III vừa qua. Theo đó, cân đối nguồn và đầu ra, BIDV giảm lãi suất huy động ở hai kỳ hạn trên cũng là một hướng để cân đối lại chi phí.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 cũng cho thấy khá nhiều thành viên có tăng trưởng tín dụng khá cao và tiến gần tới chỉ tiêu cả năm được giao, cộng thêm mức thực hiện quý III, hạn mức còn lại ba tháng cuối năm không còn nhiều tại những thành viên đó.
Tuy nhiên, cũng chỉ còn một quý nữa để kết thúc năm, các ngân hàng thương mại lại mở ra vòng quay mới, “làm mới” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với năm tới. Cơ chế và mức độ chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao cho mỗi thành viên trong năm 2020 theo đó sẽ tiếp tục là một điểm được chú ý.
Từ năm 2010 đến nay, qua từng giai đoạn, cơ chế áp giới hạn tăng trưởng tín dụng được cơ quan quản lý từng bước thực hiện, theo hướng chặt chẽ hơn qua từng năm.
Năm 2020 có khác biệt, khi hệ thống các ngân hàng thương mại bắt đầu áp dụng Basel II. Các chuẩn mực cao hơn và chặt chẽ hơn trong hoạt động sẽ thúc đẩy hệ thống cơ cấu lại tài sản và nâng chất lượng tín dụng, thay vì đẩy mạnh số lượng tăng trưởng tín dụng.
Đó là xu hướng chung. Còn chính sách giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ phải chờ định hướng cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước, mà giới hạn đầu ra này sẽ là một trong những yếu tố góp phần ảnh hưởng đến lãi suất trong tương lai.