Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang có dấu hiệu "nóng" khi liên tục tăng từ phiên đầu tuần đến nay.
Trong khi lãi suất trên liên ngân hàng từ 19/4 – 23/4 đi ngang ở mức 0,43%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,6%/năm với kỳ hạn một tuần thì tới phiên cuối tuần này đã tăng lên mức 1,2%/năm kỳ hạn qua đêm và 1,46%/năm kỳ hạn 1 tuần.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần lãi suất liên ngân hàng đã tăng gần 0,8%/năm.
Mức lãi suất liên ngân hàng đã vượt lên trên mức trung bình tính từ đầu năm tới nay và vượt nhiều dự báo của các chuyên gia tài chính, cũng như các tổ chức kinh tế.
Tại thời điểm này năm ngoái, dịch COVID-19 và làn sóng nới lỏng tiền tệ bắt đầu bùng nổ, lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm nhanh từ mức 2,5% giảm xuống còn 2%/năm và liên tục rơi tự do để áp sát mốc 0,1%/năm (tại trung tuần tháng 5/2020).
Suốt quãng thời gian sau đó, thị trường chỉ chứng kiến duy nhất đợt tăng mạnh lãi suất liên ngân hàng ở kỳ Tết Nguyên đán vừa qua do tính mùa vụ.
Nhận định về hiện tượng lãi suất có dấu hiệu "nóng" trên thị trường liên ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính cho rằng, hiện tượng này cho thấy lượng tiền trong lưu thông đang bị giảm. "Thiếu thanh khoản các ngân hàng sẽ lập tức tăng lãi suất".
Theo ông Hiếu, hiện trên thị trường 1, thanh khoản tương đối dồi dào. Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng quý 1 cao hơn tăng trưởng huy động rồi sẽ khiến các ngân hàng phải quay trở lại để huy động vốn với lãi suất cao hơn.
"Trong quý 1 mới chỉ có một vài ngân hàng tăng lãi suất khiến mặt bằng lãi suất chưa có dấu hiệu tăng. Nhưng với xu hướng tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng như hiện nay thì lãi suất trên thị trường 1 sẽ sớm tăng ở hầu hết các ngân hàng", ông Hiếu nói.
Vị chuyên gia này dự báo, lãi suất sẽ tăng trở lại vào quý 2 với mức tăng khoảng 0,5%.
Về nguyên nhân tăng lãi suất ở thời điểm hiện tại, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể cơ quan quản lý đang mạnh tay hơn trong siết tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.
Trái với quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong một báo cáo mới đây, SSI cho biết, tính đến 16/4, so với cuối năm 2020, tín dụng tăng 3,34% và tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3%. Nếu so với cuối tháng 4/2020, tăng trưởng tín dụng và phương tiện thanh toán gần như tương đương nhau (14-15%).
"Mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay không thay đổi và dự kiến sẽ tiếp tục giữ ở mức thấp trong quý II do thanh khoản các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn rất dồi dào", SSI nhận định.