Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước cập nhật, đến cuối tháng 5/2019, tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các TCTD khác trong nước mua) đạt 9,7 triệu tỷ đồng, tăng 5,37% so với hồi đầu năm.
Trong đó, tổng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế vào hệ thống TCTD đạt hơn 8,1 triệu tỷ, tăng 4,98% so với thời điểm đầu năm và tăng 2,24% trong tháng 5. Đáng chú ý, tiền gửi của các doanh nghiệp tăng mạnh gần 140.000 nghìn tỷ chỉ trong một tháng.
Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 3,42 triệu tỷ, tăng 2,54% so với đầu năm và tăng 4,23% trong tháng 5 (tương đương tăng gần 140.000 nghìn tỷ đồng). Trước đó, tiền gửi doanh nghiệp vào hệ thống đã liên tục giảm trong 4 tháng đầu năm.
Trong khi đó, tiền gửi của dân cư cuối tháng 5 đạt hơn 4,67 triệu tỷ đồng, tăng 6,84% (tương đương tăng gần 300 nghìn tỷ) so với đầu năm. Và so với cuối tháng 4 thì chỉ tăng nhẹ 0,82% tương đương tăng hơn 38.000 nghìn tỷ. Trước đó, 4 tháng đầu năm 2019, dân cư gửi thêm bình quân hơn 65 nghìn tỷ đồng mỗi tháng vào hệ thống.
Trên thực tế, khi so sánh với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dường như việc huy động tiền gửi của các ngân hàng đang khá khó khăn. Tổng huy động tiền gửi 5 tháng chỉ tăng 4,98% trong khi tín dụng tăng tới 5,78%.
Vì lẽ đó, nhiều ngân hàng đã "đua nhau" huy động bằng phát hành trái phiếu. Theo thống kê của chúng tôi, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có tới hơn 32.000 tỷ đồng được các ngân hàng huy động qua kênh phát hành trái phiếu. Trong đó, kỳ hạn chủ yếu là 2-3 năm, lãi suất khá tương đương với lãi suất huy động khách hàng cá nhân trên thị trường.
Nhu cầu huy động vốn của các nhà băng tăng cao còn thể hiện rõ hơn khi gần đây nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất. Và đến nay, lần đầu tiên trong 2 năm qua ghi nhận ở kỳ hạn dưới 12 tháng có lãi suất tăng vượt trên mức 8%/năm. Ở các kỳ hạn dài, có hơn 15 ngân hàng đã niêm yết lãi suất cao nhất trên 8%/năm và một số ngân hàng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 9%/năm.