Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây đã khiến một số người lo ngại ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trao đổi với Thời báo Ngân hàng, LS-TS. Bùi Quang Tín cho rằng, việc tăng lãi suất vào giai đoạn cuối năm cũng không có gì quá bất ngờ bởi xu hướng chung vào cuối năm, nhu cầu vốn thường tăng mạnh và điều đó không ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất cho vay.
Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động có đáng lo không thưa ông?
Theo tôi, lãi suất tiết kiệm tăng, nhất là ở kỳ hạn trung, dài hạn, là do quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN từ 1/1/2019, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống còn 40%. Để có đủ nguồn vốn dài hạn phục vụ cho khách hàng, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất hút vốn kỳ hạn dài. Mặt khác, càng vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn của khách hàng mùa kinh doanh cao điểm càng lớn. Tất nhiên, để đẩy mạnh hoạt động cho vay thì các ngân hàng phải tăng huy động nguồn vốn và muốn huy động vốn như kỳ vọng các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất đủ hấp dẫn.
Còn việc huy động trái phiếu với lãi suất cao trong thời gian qua của các ngân hàng có thể tác động đến lãi suất huy động trên thị trường 1 không, thưa ông?
Theo tôi đánh giá, việc lãi suất trái phiếu do các ngân hàng phát hành có cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chung cũng không có gì là bất thường và không có tác động đến mặt bằng chung lãi suất bởi một số lý do.
Thứ nhất, hiện tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, trung hạn từ 1-12 tháng nhưng phổ biến nhất là 6 tháng. Trong khi, kỳ hạn trái phiếu chủ yếu là dài hạn. Rõ ràng, các ngân hàng muốn huy động trái phiếu với kỳ hạn dài thì việc đưa ra lãi suất cao là bình thường.
Thứ hai, thông thường trái phiếu do ngân hàng phát hành không theo kiểu đại trà, mà chọn lọc đúng mục tiêu, đối tượng, lãi suất, khối lượng cụ thể. Mục tiêu đợt phát hành trái phiếu vừa rồi của các ngân hàng nhằm tăng cường vốn cấp 2 bổ sung vốn tự có để đáp ứng các quy định tại Basel II.
Lý do nữa, thường trái phiếu các ngân hàng phát hành là trái phiếu chuyển đổi. Sau một thời gian theo quy định trái phiếu đáo hạn sẽ chuyển đổi thành cổ phiếu nên không tác động đến lãi suất.
Nhìn qua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng không thấy biến động nhiều, vẫn dưới 5% và NHNN vẫn đang bơm hút tiền khá nhịp nhàng trên thị trường này để hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM thông qua nghiệp vụ trên thị trường mở như chào thầu trên kênh cầm cố, phát hành tín phiếu…
Hiện tại, theo quan sát của tôi, lãi suất tăng chủ yếu là kỳ hạn ngắn và chủ yếu ở các ngân hàng nhỏ tăng cao, còn các nhà băng lớn chỉ tăng nhẹ. Như nói ở trên, thanh khoản VND không có biểu hiện căng thẳng mà do là theo thông lệ hàng năm cứ dịp tết cầu vốn tăng cao, cộng thêm nhu cầu đáp ứng quy định Thông tư 19 của NHNN mới dẫn đến hiện tượng tăng lãi suất. Tôi nghĩ, diễn biến này sẽ chỉ diễn ra trong quý IV năm nay và có thể kéo dài đến quý I sang năm.
Vậy việc lãi suất huy động tăng có tạo sức ép lên lãi suất cho vay không?
Lãi suất đầu vào chỉ là một trong số yếu tố tác động đến lãi suất cho vay đối với DN cá nhân tổ chức. Để quyết định mức lãi suất đầu ra còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tốc độ xử lý nợ xấu, chi phí hoạt động, marketing... Lý do nữa, một số chỉ tiêu quan trọng mà Chính phủ đưa ra từ đầu năm như tăng trưởng GDP đạt 6,6-6,8%, lạm phát dưới 4%, tỷ giá kiểm soát 2-3%, lãi suất ổn định... về cơ bản đều đã đạt được. Với góc độ cơ quan điều hành, NHNN tiếp tục quản lý lãi suất ổn định, thậm chí có thể giảm lãi suất cho vay đối với DN hoạt động tốt, ưu tiên lịch sử giao dịch tốt.
Tóm lại, theo tôi, dù lãi suất đầu vào có tăng, nhưng lãi suất đầu ra của các ngân hàng tăng chọn lọc, tuỳ đối tượng. Đơn cử, những khách hàng rủi ro, hoạt động kinh doanh không hiệu quả chắc chắn lãi suất không thể giảm thậm chí tăng. Còn đối với khách hàng tốt đang là mục tiêu mà các ngân hàng cạnh tranh và chiêu mộ sẽ nhận được cơ chế ưu đãi trong đó có lãi suất. Do vậy, những đối tượng khách hàng kinh doanh hiệu quả có thể yên tâm vì hệ thống ngân hàng đủ sức hỗ trợ.
Xin cảm ơn ông!