Người dân ngày càng kém "mặn mà" với tiền gửi có kỳ hạn nhưng lại gửi không kỳ hạn nhiều hơn.
Thanh khoản của các ngân hàng vẫn dồi dào nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ NHNN, một số cũng vay được lượng vốn lớn từ các tổ chức tín dụng quốc tế để thay thế cho việc huy động trong nước.
Lãi suất chỉ tăng ở một số ngân hàng nhỏ
Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, nhiều ngân hàng đã có điều chỉnh về lãi suất huy động theo xu hướng tăng. Chẳng hạn, SCB tăng lãi suất huy động online 0,2% ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, dao động từ 7,05 - 7,15%/năm; Eximbank tăng từ 0,1 - 0,3%/năm và mức lãi suất huy động cao nhất là 6%/năm cho kỳ hạn 15 tháng; OCB tăng 0,2%/năm, mức lãi suất cao nhất là 6,15%/năm ở kỳ hạn 36 tháng,…
Động thái tăng lãi suất được cho là để hút người gửi tiền trở lại, sau khi nguồn vốn huy động này sụt giảm trong quý 3/2021.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 9/2021, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 2,91% so với đầu năm, đáng chú ý là từ tháng 6 trở lại đây, nguồn huy động này liên tục giảm 1.000-3.000 tỷ đồng hàng tháng. Báo cáo tài chính quý 3/2021 cũng cho thấy nhiều ngân hàng có thị trường trọng tâm ở các tỉnh, thành phía Nam ghi nhận tiền gửi sụt giảm.
Ngoài ra, theo nhận định mới đây của bộ phận phân tích chứng khoán VCBS, việc nhiều ngân hàng được nới room tín dụng và chỉ còn 1 tháng cuối năm để giải ngân đã tạo áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mức tăng đáng kể hiện được ghi nhận ở các ngân hàng quy mô nhỏ.
Áp lực tăng lãi suất năm 2022 là không lớn
VCBS cũng đánh giá áp lực tăng lãi suất trong năm 2022 là không lớn.
Thứ nhất, thanh khoản hệ thống ngân hàng được hỗ trợ mạnh mẽ từ hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, lượng tiền VND được bổ sung vào hệ thống ngân hàng ở nửa cuối năm theo kênh này ước tính vào khoảng 200-300 nghìn tỷ đồng.
Thứ hai, các chỉ số liên quan như tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn ở mức an toàn nên các ngân hàng chưa có áp lực tăng mạnh tiền gửi để đáp ứng các chỉ số này.
Thứ ba, một số ngân hàng có thể sử dụng vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế để thay thế cho việc huy động trong nước.
Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng lớn cũng đã đạt được các khoản vay hợp vốn với giá trị lớn mà chi phí thấp. Ví dụ, VietinBank nhận được khoản vay hợp vốn giá trị 1 tỷ USD từ 20 bên. Techcombank cũng huy động được khoản vay hợp vốn nước ngoài 800 triệu USD, lãi suất rất thấp dưới 2%/năm. VPBank thì đạt được thỏa thuận với SMBC về khoản vay hợp vốn giá trị 300 triệu USD,…Nhìn chung, nguồn vốn huy động từ các tổ chức tài chính nước ngoài thường có kỳ hạn dài và lãi suất thấp hơn so với trong nước.
VCBS cho rằng, các ngân hàng quy mô nhỏ cũng có thể tối ưu hóa nguồn vốn huy động nhờ vào các tổ chức tín dụng quốc tế như IFC, ADB,…Mức lãi suất của các khoản cấp vốn này thường được neo leo lãi suất liên ngân hàng quốc tế và hiện tại ở mức khoảng 1%/năm.
Sau khi huy động nguồn vốn ngoại tệ, các ngân hàng thường phải quy đổi sang tiền VND bằng cách mua hoặc sử dụng hợp đồng SWAP. Mức chi phí hàng năm cho hợp đồng này ghi nhận mức giảm tích cực trong giai đoạn đầu năm khi thị trường có kỳ vọng về xu hướng giữ giá và tăng giá của tiền VND. Tổng chi phí huy động ngoại tệ giảm còn khoảng 4%/năm cho kỳ hạn dài và thấp hơn với các hợp đồng kỳ hạn ngắn. Nhờ vậy, một số ngân hàng quy mô nhỏ có kế hoạch tăng sử dụng nguồn vốn huy động ngoại tệ để tối ưu hóa chi phí vốn.
Nhiều ngân hàng có nguồn vốn rẻ tăng mạnh
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn giảm sâu xuống mức không còn đủ hấp dẫn đã khiến dòng tiền chảy sang các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản trong 2 năm trở lại đây. Theo VCBS, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống ghi nhận giảm 1,5 – 2% tùy kỳ hạn so với thời điểm trước dịch.
Trong khi đó, người dân lại có xu hướng gửi tiền không kỳ hạn nhiều hơn. Bối cảnh các thị trường đầu tư tài sản như BĐS, Chứng khoán sôi động đã thúc đẩy thêm một phần lớn tiền gửi kỳ hạn dài chuyển qua tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi kỳ hạn ngắn. Từ đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi (tỷ lệ CASA) đã tăng lên 20,1% vào quý 3/2021.
VCBS cho rằng, xu hướng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian tới, khiến cho tỷ lệ CASA toàn ngành tiếp tục tăng lên. Nhiều ngân hàng sẽ có được nguồn huy động vốn dồi dào hơn và giảm được chi phí vốn trong dài hạn nhờ số hóa hệ thống.
Cụ thể, tỷ lệ dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng hiện mới ở mức 31%, thấp hơn so với các nước trong khu vực. Với xu hướng phát triển số hóa và sự ra đời của công nghệ xác thực từ xa (eKYC) giúp mở tài khoản không cần đến chi nhánh ngân hàng sẽ giúp cho tỷ lệ này tăng lên. Các ngân hàng tập trung phát triển trải nghiệm khách hàng ở giai đoạn hiện tại có thể được hưởng lợi lớn nhờ xu thế này khi tăng được tập khách hàng sử dụng dịch vụ. Theo NHNN, từ tháng 3/2021 đến tháng 10/2021, hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán đã được mở theo phương thức eKYC.
Lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay là 7%/năm, một số ngân hàng sẽ yêu cầu điều kiện về số tiền gửi tối thiểu khá lớn để nhận được mức lãi suất này. Ở mức 6,7-6,9%/năm thì có nhiều ngân hàng áp dụng mà không yêu cầu số tiền tối thiểu như SCB, BacABank, CBBank, Kienlongbank,... Đa số các ngân hàng còn lại sẽ niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng - 36 tháng từ 6,0-6,2%/năm, thậm chí nhiều ngân hàng lớn thì chỉ từ 5,5-5,6%/năm. Ở nhóm Big4, hiện Agribank, BIDV, Vietcombank có mức lãi suất cao nhất là 5,5%/năm, VietinBank là 5,6%/năm (đối với gửi tại quầy. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank) cũng có mức lãi suất tương đương. Trong đó, lãi suất cao nhất là 5,5%/năm khi gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. |
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)