Với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống thanh toán hiện nay, thẻ tín dụng được xem là một sản phẩm chiến lược của mỗi ngân hàng và cũng rất thu hút khách hàng bởi tính tiện lợi, bảo mật, lại kèm nhiều ưu đãi.
Một trong những ưu điểm của thẻ tín dụng là chủ thẻ có thể chi tiêu trước, trả tiền sau; khoảng thời gian miễn lãi của các ngân hàng thường dao động từ 45 đến 55 ngày. Điều này giúp khách hàng chủ động hơn trong chi tiêu, đáp ứng được các nhu cầu tài chính của bản thân một cách dễ dàng hơn.
Ngoài ra, những ưu đãi hấp dẫn mà chủ thẻ được hưởng cũng là điểm cộng lớn của thẻ tín dụng. Các ngân hàng đang ra sức cạnh tranh nhau bằng cách liên kết với các nhãn hàng để đưa ra những ưu đãi hoàn tiền, chương trình bán hàng trả góp với lãi suất 0% cho khách hàng. Và chủ thẻ cũng là một trong những người được hưởng lợi trong cuộc chạy đua này.
Có thể thấy, việc sở hữu thẻ tín dụng mang lại những tiện ích vượt trội hơn nhiều cho chủ thẻ so với việc sở hữu thẻ ghi nợ thông thường. Điều này khiến cho nhu cầu mở thẻ tín dụng trong những năm gần đây tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, đã có không ít khách hàng phải hủy thẻ tín dụng sau một thời gian sử dụng. Lý do chính bởi vì sau thời gian miễn lãi, khách hàng bị "choáng" bởi lãi suất tính trên số tiền trả chậm khá cao.
Bảng so sánh lãi suất thẻ tín dụng Visa hạng chuẩn của một số ngân hàng
Khảo sát của chúng tôi tại thời điểm ngày 11/9/2019 cho thấy, đối với thẻ tín dụng Visa hạng chuẩn, nhóm các ngân hàng TMCP Nhà nước như BIDV, Vietinbank hay Agribank có mức lãi suất áp dụng thấp nhất, đều ở mức dưới 20%/năm.
Ở một số ngân hàng ngoại có sự chênh lệch đáng kể. Nếu như ở Shinhanbank thu lãi 26%/năm đối với số tiền chậm trả thì ở HSBC hay Citibank Vietnam áp dụng lãi suất ở mức cao so với toàn hệ thống, trên 30%/năm.
Với các ngân hàng TMCP khác, lãi suất chủ thẻ phải chịu dao động trong khoảng từ 23-29%/năm tùy thuộc vào một số chính sách của ngân hàng. Như với thẻ Visa chuẩn của NCB khi có tài sản đảm bảo chỉ phải chịu lãi suất 23%, nếu không mức lãi là 25%. Hay ở Techcombank, mức lãi suất áp dụng đối với khách hàng thông thường là 29.8% và 26.8% đối với khách hàng là hội viên dịch vụ ngân hàng ưu tiên (khách VIP).
Không chỉ bị tính lãi, khi quá số ngày miễn lãi mà chưa thanh toán số tiền đã chi tiêu hoặc số tiền tối thiểu phải trả thì khách hàng còn phải chịu phí phạt thanh toán trễ hạn. Mỗi ngân hàng sẽ thu phí phạt trên số tiền tối thiểu còn lại hoặc trên tổng số tiền chậm trả.
Các ngân hàng bao gồm MBBank, SCB, ABBank, ACB và HSBC thu phí ở mức 4% dư nợ tối thiểu còn lại, trong khi đó ở Vietinbank là 3%-6%. Phạt trên tổng số tiền chưa thanh toán, VietABank đứng đầu với mức phí thấp nhất chỉ 1%. Mức phí cao nhất lên đến 6% áp dụng đối với thẻ tín dụng Visa chuẩn ở Sacombank và Techcombank. Nhóm 7 ngân hàng còn lại có mức phí dao động từ 3% đến 4,4% dư nợ chưa thanh toán, bao gồm Agribank, BIDV, NCB, HDBank, Shinhan Bank, Citibank Vietnam và TP Bank. Ngoài ra, các ngân hàng còn quy định thêm mức phạt tối thiểu từ 50.000 đồng cho tới 300.000 đồng, thậm chí tại Citibank mức phạt tối đa lên tới 2 triệu đồng.
Bảng phí phạt thanh toán trễ hạn thẻ tín dụng Visa hạng chuẩn của một số ngân hàng
Như vậy, với thẻ tín dụng Visa hạng chuẩn, lãi suất phạt chậm trả của các ngân hàng quốc doanh thấp hơn hẳn so với các ngân hàng thương mại khác, một vài ngân hàng nước ngoài còn thu lãi cao vượt mức 30%/năm. Tuy nhiên, nếu chủ thẻ biết cách chi tiêu và thanh toán nợ trong khoảng thời gian miễn lãi thì lãi suất không phải là điều quá quan trọng mà thay vào đó là dịch vụ thẻ cũng như các tiện ích và ưu đãi mà thẻ mang lại. Sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả là khi khách hàng không phải chịu lãi suất, phí phạt chậm trả cũng như tối đa hoá khuyến mãi được cung cấp từ thẻ.