Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần đến ngày 11/9 do Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) thực hiện, trong tuần vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thực hiện giao dịch trên thị trường mở. Thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang, chốt tuần ở mức 0,2%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,23%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Ở thị trường 1, lãi suất tiền gửi không có nhiều thay đổi, phổ biến ở mức 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,2-6%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 5-6,7%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Các chuyên gia của SSI Research dẫn nguồn thông tin từ NHNN cho thấy, tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) tại thời điểm cuối tháng 7 là 11,16 triệu tỷ đồng, tăng 5,6% so với cuối năm 2019, con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 7-8% của cùng kỳ 3 năm trước đó.
Bởi vậy, chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục được duy trì, thanh khoản các NHTM sẽ vẫn dồi dào. Lãi suất trên liên ngân hàng sẽ duy trì ở mức thấp, lãi suất tiền gửi có thể giảm tiếp từ 10-30 điểm cơ bản trong thời gian tới.
Lãi suất huy động trên thị trường hiện nay |
Thực tế những ngày từ đầu tháng 9 tới nay, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục có dấu hiệu giảm nhẹ, cá biệt có ngân hàng là Techcombank còn đưa lãi suất kỳ hạn ngắn xuống dưới 3%/năm trong khi các kỳ hạn khác giảm từ 0,2 - 0,5%/năm, hiện kỳ hạn 2 - 5 tháng còn 2,9%/năm; 6 tháng còn 4,4%/năm; từ 7 - 11 tháng còn 4%/năm và 12 tháng là 4,6%/năm. Đây cũng là ngân hàng huy động vốn với mức lãi rẻ nhất trên thị trường.
Trước đó trong tháng 7 và tháng 8, lãi suất cũng đã giảm, phổ biến khoảng 0,15 - 0,55%/năm. Do lãi suất xuống thấp nên tiền gửi vào ngân hàng có dấu hiệu chậm lại. Riêng trong tháng 7, theo báo cáo của NHNN, tiền gửi tại các TCTD chỉ tăng thêm hơn 9.300 tỷ đồng trong khi trong 6 tháng đầu năm, tiền gửi vào ngân hàng bình quân tăng gần 70.000 tỷ đồng mỗi tháng.