Tín hiệu tích cực
Trong tuần qua, cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tin vui khi NHNN quyết định điều chỉnh giảm một số mức lãi suất điều hành. Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư 39 cũng được giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm…
TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đánh giá, động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN là bước đi hợp lý trong bối cảnh tỷ giá đã ổn định, lạm phát có xu hướng chậm lại, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào hơn. Việc giảm lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện để các TCTD kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong quyết định đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, mặt bằng lãi suất cho vay chắc chắn sẽ giảm nhưng không ngay lập tức mà có độ trễ nhất định, bởi bản thân các ngân hàng vừa qua đã huy động vốn ở mức lãi suất cao. Vì vậy, phải sang quý sau thì mặt bằng lãi suất mới giảm rõ.
Mặc dù động thái giảm lãi suất điều hành này chưa phát huy tác dụng ngay, nhưng giới chuyên gia cho rằng động thái này của NHNN đem lại tín hiệu rất tích cực cho cả nền kinh tế. Đây sẽ là cơ sở, tiền đề để các NHTM hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới. Không chỉ lĩnh vực ưu tiên, mà động thái giảm lãi suất này cũng sẽ lan toả đến các ngành nghề khác trong nền kinh tế.
Kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở khi ngay sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Đi đầu trong làn sóng này chính là 4 NHTM Nhà nước khi tiếp tục giảm 0,2 điểm % lãi suất tiền gửi huy động với các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,2%/năm.
Trước đó, ngay trong tháng 2/2023, các NHTM đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Thống kê từ NHNN cho thấy, đến nay mặt bằng lãi suất dần ổn định, hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các NHTM khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 9,4%/năm.
Ngoài ra, các nhà băng cũng tích cực dành nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp. Đơn cử, BIDV triển khai gói cho vay ngắn hạn mới với quy mô 30.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi từ 8%/năm đối với các khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng, hoặc từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng.
Trong khi Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán... Hay MBBank đã tuyên bố giảm 1%/năm lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng…
Vẫn nhiều áp lực
Tuy nhiên theo các chuyên gia, lãi suất vẫn đang chịu rất nhiều áp lực. Bên ngoài, liệu Fed có thận trọng trong việc tăng lãi suất trong thời gian tới (sau vụ sụp đổ của SVB và SB) hay không vẫn chỉ là dự đoán. Trước khi "cú sốc" SVB và SB xảy ra, không ít nhà kinh tế dự báo Fed có thể quay lại với mức tăng lãi suất tới 50 điểm khi mà lạm phát tại Mỹ vẫn đang rất nóng. Trong khi trên thực tế, mới đây NHTW châu Âu (ECB) vẫn tăng lãi suất tới 50 điểm theo đúng cam kết mà nguyên nhân một phần cũng xuất phát từ sự tự tin với sức khỏe của hệ thống ngân hàng trong khu vực.
Trong nước, mặc dù lạm phát có dấu hiệu chậm lại, song vẫn đứng ở mức khá cao và áp lực lạm phát thời gian tới vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân do giá cả nhiều loại hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới vẫn đứng ở mức cao; trong khi trong nước tổng cầu đang phục hồi, tiêu dùng vẫn rất mạnh, lương cơ bản sẽ tăng từ 1/7 tới, lộ trình tăng giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước quản lý...
Ngay cả khi lãi suất giảm, song theo các chuyên gia, việc vay được vốn hay không còn tùy thuộc vào chính bản thân doanh nghiệp bởi ngân hàng vẫn phải đảm bảo sự an toàn của khoản vay. Chính vì vậy, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự cơ cấu lại nguồn vốn, các kế hoạch kinh doanh phù hợp, khả thi, tích cực tìm kiếm các thị trường mới, tiềm năng. Như vậy, các nhà băng mới yên tâm “mở hầu bao” cho vay.
Hơn nữa theo một chuyên gia tài chính - ngân hàng, dư địa của chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp bởi áp lực lạm phát vẫn đang rất lớn, trong khi tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao và nếu tiếp tục dùng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng sẽ rất nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa cần phát huy vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng.
“Thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khoá. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, xóa bỏ các rào cản pháp luật, quy trình thủ tục hành chính, nhất là với một số lĩnh vực tác động lớn như đất đai, bất động sản, xây dựng, đấu thầu, qua đó, có các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp giảm khó khăn thách thức thời gian tới”, vị chuyên gia này đề xuất.
Về phía NHNN, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất theo xu hướng giảm dần từng bước, phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế, khả năng kiểm soát lạm phát, mức độ tác động của kinh tế thế giới với kinh tế trong nước… Trong năm nay, NHNN tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, ổn định. Nếu điều kiện thuận lợi, từ nay đến cuối năm NHNN sẽ tiếp tục có động thái tích cực đến mặt bằng lãi suất.