Theo báo cáo mới đây của NHNN, trong tuần cuối cùng của tháng 5/2019, lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng.
Lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng phổ biến từ 4,5-5,5%/năm. Kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 5,5-6,5%/năm. Kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm.
Trong khi đó, khảo sát trên thị trường, lãi suất huy động ở các ngân hàng hiện nay có sự phân hóa khá mạnh, đặc biệt ở kỳ hạn dài. Bắt đầu từ kỳ hạn 6 tháng trở lên, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới 2-3%/năm.
Ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, lãi suất tại các ngân hàng tư nhân khá tương đương nhau, cao hơn 4 ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 1%/năm.
Chẳng hạn ở kỳ hạn 1 tháng, có khoảng chục ngân hàng niêm yết ở mức lãi suất cao nhất là 5,5% như NCB, Eximbank, Bao Viet Bank, VIB, BacABank, ACB, ABBank,…Thấp hơn một chút là các ngân hàng tư nhân lớn như SCB với 5,4%/năm, Techcombank 5,3%/năm,…Trong khi đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước chỉ niêm yết quanh mức 4,5%/năm.
Từ kỳ hạn 6 tháng trở đi, chênh lệch lãi suất ở các ngân hàng bắt đầu thể hiện rõ rệt. Một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động áp sát mốc 9%, áp dụng cho các kỳ hạn dài từ 2 năm trở lên; trong khi đó một số khác vẫn chỉ duy trì quanh mức 7%/năm. Tại nhiều ngân hàng tư nhân, khách hàng gửi càng nhiều tiền và chọn hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến thì lãi suất càng cao.
Cụ thể, tại kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất ở các ngân hàng phổ biến từ 5-8%/năm. Cao nhất bao gồm SCB (7,8%/năm), Nam A Bank (8%/năm), Eximbank (7,6%/năm), NCB (7,6%/năm),…Trong khi đó, thấp nhất là VietinBank chỉ có 5%/năm.
Như vậy, ở kỳ hạn này, với khoản tiền gửi 1 tỷ, sau 6 tháng khách hàng nhận về được từ 25 triệu cho đến 40 triệu tùy ngân hàng, một mức chênh lệch đáng cân nhắc để chọn ngân hàng gửi tiết kiệm.
Từ kỳ hạn 12 tháng trở lên, sự phân hóa cạnh tranh lãi suất ngày càng gay gắt hơn. Lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay là tại Nam A Bank với 8,7%/năm áp dụng cho hình thức tiết kiệm online.
Ở kỳ hạn dài từ 24-36 tháng, lãi suất cao nhất có thể kể đến các ngân hàng khác như Bản việt 8,6%/năm; 8,5%/năm tại SHB (cho khoản tiền trên 500 tỷ); VietBank (8%/năm); SCB (8,3%/năm), PGBank (8,5%/năm),…
Các ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, ACB, MBBank,… niêm yết từ 7-7,5%/năm. Trong khi đó, khối 4 ngân hàng quốc doanh niêm yết ở mức thấp khá nhiều, phổ biến quanh mức 6,8-7%/năm.
Nhu cầu về vốn trung và dài hạn tăng cao, nhiều ngân hàng còn tăng cường huy động bằng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 9%/năm. Ngân hàng có lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất hiện nay là VietABank, với mức lãi suất lên đến 9,1%/năm đối với khách hàng nhận lãi cuối kỳ và 8,38%/năm với hình thức nhận lãi hàng tháng. SHBcũng tung ra chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên đến 8,9%/năm, áp dụng cho số tiền từ 2 tỷ đồng trở lên với thời hạn 36 tháng,...