Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán có dấu hiệu "nóng" và tiềm ẩn rủi ro, còn lãi suất ngân hàng tăng thì gửi tiết kiệm được đánh giá là kênh đầu tư sinh lời và an toàn nhất hiện nay.
Kênh đầu tư an toàn
Từ đầu tháng 6/2021, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng nhẹ. Theo đó, lãi suất tiết kiệm một số ngân hàng tăng từ 0,1-0,3 điểm % ở các kỳ hạn.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1-0,3 điểm %, nâng kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,75%/năm, kỳ hạn 24 tháng lên mức 6,55%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới, tăng thêm 0,2 điểm % so với trước ở một số kỳ hạn. Cụ thể, gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 2 tháng tăng lên 3,5%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng tăng lên 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5%/năm. Một số kỳ hạn dài lãi suất được điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm %, cao nhất là kỳ hạn 36 tháng có lãi suất 6,4%/năm.
Lãi suất huy động tăng, tiền nhàn rỗi tìm nơi trú ẩn an toàn |
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) nâng lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng tăng 0,1 điểm %, kỳ hạn từ 3 tháng đến 11 tháng tăng 0,2 điểm % so với trước đó.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) có lãi suất dành cho tài khoản đắc lộc, kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5 điểm % so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường.
Tại một số ngân hàng nhỏ, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến, kỳ hạn từ 9 tháng đến 36 tháng, vẫn nhận được mức lãi suất khá tốt. Với kỳ hạn 9 tháng, lãi suất gửi trực tuyến cao nhất là 6,7%/năm thuộc về Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank); kỳ hạn 12 tháng là 6,9%/năm thuộc về Nam A Bank và Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlong Bank); kỳ hạn 13 tháng là 7,1%/năm và 24-36 tháng là 7,3%/năm cũng thuộc về KienLong Bank.
Ngoài ra, vẫn có một số ngân hàng duy lãi suất tiết kiệm ở mức cao. Ngân hàng TMCP Phương đông (OCB) đang có lãi suất niêm yết ở mức 8,2%/năm, áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có lãi suất 7,4%/năm áp dụng với các khoản tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) ưu đãi mức lãi suất 7,1%/năm đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán có dấu hiệu "nóng" và tiềm ẩn rủi ro, thị trường bất động sản cũng vừa qua “cơn sốt nóng”, thì gửi tiết kiệm được đánh giá vẫn là kênh đầu tư sinh lời và an toàn nhất hiện nay.
Các phân tích cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, bình quân 5 tháng, CPI chỉ tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016. Như vậy, lạm phát của Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì mức tăng thấp và vẫn còn cách khá xa mục tiêu điều hành lạm phát dưới 4% của năm nay. Ước tính CPI cả năm 2021 cũng sẽ trong khoảng 4%. Vì vậy, việc gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng trở lên khách hàng vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Nếu có nguồn vốn nhàn rỗi trong dài hạn không dùng đến thì gửi tiết kiệm vẫn sinh lời và tránh những rủi ro trong mùa dịch.
Lãi suất có tăng?
Theo các chuyên gia, hoạt động cho vay tại các ngân hàng vừa qua tăng nhanh hơn so với tăng trưởng huy động vốn. Diễn biến này khiến thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ không còn dư thừa nhiều như trước nữa. Bên cạnh đó, lãi suất huy động thấp cũng khiến một phần dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán, bất động sản nên các ngân hàng phải có động thái tăng lãi suất trở lại.
Gửi ngân hàng vẫn là một kênh an toàn. |
Đại diện Công ty Chứng khoán VPS nhận định, trong bối cảnh dịch Covid bùng phát lần thứ 4 khiến nhiều người phải ở nhà nên có thời gian tập trung vào chứng khoán. Dòng tiền đổ vào thị trường này không ngừng tăng, trong đó có một phần từ dòng tiền nhàn rỗi khi lãi suất huy động ổn định ở mức thấp. Cùng với lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại, lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng nhích lên, khiến lãi suất huy động rục rịch tăng.
Tuy nhiên, tăng lãi suất không phải là xu hướng mà chỉ là động thái cục bộ ở một số ngân hàng. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định và chỉ có khả năng tăng nhẹ vào cuối năm, nếu tín dụng tăng. Khả năng này hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, mức độ lạm phát, kế hoạch mở rộng tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
Bộ phận Phân tích Chứng khoán Công ty SSI (SSI Research) dự báo, dù áp lực tăng lãi suất huy động trong ngắn hạn chưa có, nhưng có thể nhích tăng từ đầu quý 3/2021, khi dịch bệnh được kiểm soát và tín dụng tiếp tục tăng tốc.
Một số khách hàng cho biết họ vẫn để vốn nhàn rỗi tại ngân hàng, k hạn 6 tháng được nhiều người ưu tiên lựa chọn. Với kỳ hạn này, lãi suất gửi trực tuyến ở một số ngân hàng gần 6%/năm và nhanh tất toán. Dựa trên tình hình thực tế, nếu cuối năm lãi suất tiết kiệm tăng thì người dân tiếp tục gửi tiền hoặc sẽ tìm kiếm kênh đầu tư nào sinh lời cao hơn và an toàn.
Trần Thủy