Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng đang rục rịch tăng. Vậy hiện nay gửi tiền vào ngân hàng nào để được hưởng lãi suất cao nhất?
Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng
Đầu tháng 11, một số ngân hàng đã thay đổi biểu lãi suất huy động. Theo đó, nhiều ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn so với trước đó.
Cụ thể, BaoVietBank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm, tăng 0,15%; lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6,35%/năm, tăng 0,1%. SHB lại tăng lãi suất tiền gửi 0,4%, lên mức 6,1%/năm với kỳ hạn 24 tháng cho các khoản dưới 2 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 10, một số ngân hàng cũng tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,4% với các kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và từ 12 tháng trở lên.
Trong đó, Eximbank tăng 0,1% lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và tăng 0,1-0,2 %/năm lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng. Còn Sacombank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,4%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Không chỉ tăng lãi suất huy động tại quầy, hiện nay, nhằm khuyến khích người dân gửi tiết kiệm trực tuyến (online) trong mùa dịch, các ngân hàng cũng tăng lãi suất gửi tiết kiệm online.
Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng |
Đơn cử, từ tháng 10, người gửi tiền online tại SHB nhận được lãi suất cao hơn từ 0,7-1,15% so với gửi tiết kiệm thông thường tại quầy. Lãi suất gửi tiết kiệm online của Sacombank tăng khoảng 0,2-0,6%/năm tùy kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm online của KienlongBank cũng cao hơn từ 0,2-0,5% so với gửi tại quầy.
Còn VPBank áp dụng lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng với hình thức gửi online số tiền dưới 300 triệu lãi suất 5,3%/năm, cao hơn 0,8% gửi tại quầy. Lãi suất tiết kiệm online của Vietcombank cao hơn 0,1% so với gửi tiền tại quầy. VietinBank cũng cộng thêm cho khách 0,15% nếu gửi online.
Trong khi đó, một số ngân hàng lại tiến hành giảm nhẹ lãi suất huy động. Đơn cử, từ ngày 1/11, Techcombank giảm 0,4% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, xuống còn 2,4%/năm đối với khách hàng thường, dưới 50 tuổi và khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng. Tháng 11 này, Vietcombank cũng giảm nhẹ 0,1% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng còn 3%/năm, kỳ hạn 3 tháng xuống 3,3%/năm.
VIB giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng từ 3,6%/năm xuống còn 3,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm từ 6,1%/năm xuống 5,8%/năm. NCB cũng hạ lãi suất huy động từ 0,1-0,2% ở hầu hết kỳ hạn.
VietCapitalBank lại điều chỉnh giảm lãi suất huy động với hình thức gửi online từ 25/10/2021 ở nhiều kỳ hạn. Chẳng hạn, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng được điều chỉnh giảm 0,1% xuống còn 3,85%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm 0,15% xuống 6,05%/năm; kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,15%; xuống 6,25%/năm.
Ngân hàng nào có lãi suất huy động cao nhất hiện nay
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng duy trì mức lãi suất tương đối cao cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm.
Hiện nay gửi tiền vào ngân hàng nào để được hưởng lãi suất cao nhất? |
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại quầy dao động từ 2,5-4%, GPBank là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất. Tại kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 3,2-4%, cao nhất vẫn là GPBank. Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy từ 4-6,25%, vị trí dẫn đầu là CBBank. Kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động tại quầy ở mức 4-6,35%, cao nhất vẫn là CBBank.
Còn với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy là 4,85-6,8%, đứng đầu là SCB. Tại kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động tại quầy quanh mức 5,1-6,6%; Bắc Á Bank, CBBank và Kiên Long Bank là 3 ngân hàng cùng giữ mức lãi suất cao nhất. Với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 5,5-6,8%, SCB có mức lãi suất tốt nhất.
Với các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động quanh mức 5,1-7%. VRB ở vị trí quán quân về lãi suất huy động ở các kỳ hạn này.
Lãi suất gửi tiền online tại một số ngân hàng cao hơn lãi suất gửi tại quầy từ 0,1-0,5%. Và hiện nay nhiều ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất tiền gửi.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi là hoàn toàn hợp lý. Bởi lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua khiến nhiều người dân rút tiền ra khỏi ngân hàng đổ vào bất động sản, chứng khoán.
Dịp cuối năm, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tăng lên. Vì thế, lãi suất tiền gửi phải tăng để thu hút người dân gửi tiền. Nếu ngân hàng có lượng tiền gửi thấp sẽ không đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khác của ngân hàng.
Trong năm 2022, lãi suất sẽ tăng nhẹ do chịu nhiều áp lực khi kinh tế phục hồi khiến nhu cầu tín dụng tăng lên và ảnh hưởng bởi xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Tuấn Dũng