Diễn biến trên của lãi suất và tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã gợi mở hướng hạ nhiệt qua những phiên gần đây, đặc biệt ở điểm đến cuối giờ sáng nay (27/10).
Cụ thể, giá USD giao ngay đã có mức giảm khoảng 0,15% so với phiên hôm qua, xuống còn 24.810 VND, xuống thấp hơn đáng kể so với mức 24.870 VND mà Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng lên vừa qua.
Trước đó, ngay sau khi NHNN nâng giá bán ra USD, giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng cũng lập tức vượt lên trên một mức đáng kể. Theo đó, tỷ giá USD/VND trên thị trường này hiện đã giảm khá mạnh.
Cũng tính đến cuối giờ sáng nay, bắt nhịp trên thị trường liên ngân hàng, giá USD trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng hạ nhiệt, giảm quanh 10 VND so với cuối ngày hôm qua.
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sáng nay cũng giảm rất mạnh, nối tiếp hướng điều chỉnh hai ngày trước đó.
Cụ thể, lãi suất VND qua đêm giảm tới 1,16 điểm phần trăm so với hôm qua, xuống chỉ còn 5,76%/năm. Trước đó, ngày 25/10, ngay sau khi NHNN có quyết định tăng lãi suất điều hành, lãi suất qua đêm đã vọt lên trên 7%/năm. Hướng giảm mạnh cũng thể hiện ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tuần, trong diễn biến sáng nay.
Như vậy, sau chuỗi ngày biến động mạnh từ đầu tháng 10 đến nay, cả lãi suất VND và tỷ giá USD/VND mới thực sự có hướng hạ nhiệt đáng kể như trên. NHNN vẫn đóng vài trò thực trực điều tiết trong cân đối nguồn, thậm chí mức độ "gồng gánh" nổi bật hơn.
Quan sát những phiên gần đây cho thấy, cùng lúc NHNN vừa phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về, vừa bơm hỗ trợ nguồn qua kênh cầm cố trên thị trường mở (OMO). Có hai điểm được chú ý.
Một là, lãi suất ở cả hai kênh này đều "cố định" ở 6%/năm, sau khi lãi suất điều hành vừa tăng lên. Điều này có nghĩa NHNN đang dung hòa nhất định chi phí đi vay với cho vay trong hoạt động cân đối nay; đặc biệt với các ngân hàng thương mại cần vốn, họ vẫn được lãi suất 6% thay vì phải vay trên liên ngân hàng lãi suất cao hơn.
Hai là, đáng chú ý hơn, hai kênh trên đều hoạt động cho thấy giữa các ngân hàng thương mại dư hoặc cần vốn có một phần không gặp nhau; đã có khoảng trống nhất định trong giao dịch vốn trên thị trường liên ngân hàng; một bộ phận bên dư vốn vẫn gửi về NHNN qua tín phiếu với lãi suất thấp hơn, một bộ phận bên cần vốn vẫn tìm kênh hỗ trợ từ Nhà điều hành.
Cân đối tổng thể cả hai kênh bơm - hút tiền nói trên của NHNN, đến ngày 26/10 khá cân bằng: 89.630,23 tỷ đồng nguồn bơm ra qua OMO đang lưu hành, 81.298,98 tỷ đồng số dư hút về qua tín phiếu.