Nguồn vốn cho hệ thống trở nên dồi dào, lãi suất VND liên tục giảm mạnh và rơi xuống mức rất thấp trên thị trường liên ngân hàng.
Trong tuần trước (6-10/1), lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống qua các phiên, riêng kỳ hạn qua đêm đã rơi xuyên qua mốc 1%.
Cụ thể, phiên cuối tuần, lãi suất này giao dịch ở mức qua đêm 0,94% (-0,98 điểm phần trăm); 1 tuần 1,46% (-1,08 điểm phần trăm); 2 tuần 2,65% (-0,35 điểm phần trăm); 1 tháng 3,44$ (-0,28 điểm phần trăm).
Trong khi đó, lãi suất USD cùng thị trường dừng ở mức qua đêm 1,74% (-0,04 điểm phần trăm); 1 tuần 1,83% (-0,04 điểm phần trăm); 2 tuần 1,91% (-0,06 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,08% (-0,02 điểm phần trăm).
Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng đang từ dương đã chuyển sang âm khá lớn tại các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần.
Trên thị trường mở, mỗi phiên, Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, 3 phiên đầu với kỳ hạn 14 ngày, 2 phiên cuối tuần với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất chào thầu đều ở mức 4%. Tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu trong tuần.
Theo nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán MBS, thanh khoản thị trường ngành ngân hàng đang và sẽ tiếp tục tích cực trong năm nay.
Giải thích cho nhận định này, MBS cho rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo đó, MBS dự phóng FDI sẽ tiếp tục được rót mạnh vào Việt Nam cũng như không có sự rút vốn đột ngột do dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ tìm kiếm các địa điểm đầu tư tiềm năng mới có lực lượng lao động dồi dào.
Việt Nam lại đang là điểm đến hàng đầu với chính sách mở cửa, chi phí lao động hấp dẫn cũng như được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại. Thái Lan và Malaysia tương đối sát nút Trung Quốc về việc đáp ứng đầy đủ điều kiện trở thành chuỗi cung ứng.
Việt Nam đang trở thành điểm đến tiếp theo khi thừa hưởng chi phí nhân công giá rẻ, nền tảng sản xuất nâng cấp dần từ gia công đơn thuần sang sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như điện thoại, máy móc, đồ điện tử.
Do đó, các yếu tố đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như thanh khoản hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục được đảm bảo trong các năm tiếp theo.
"Thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục dồi dào và không gây áp lực từ bên ngoài cho lãi suất nhờ nguồn vốn FDI và xuất khẩu mạnh tạo ra thặng dư thương mại, thanh khoản", nhóm nghiên cứu tại MBS đánh giá.
Liên quan, việc thặng dư thương mại lớn trong vài năm qua đã giúp Ngân hàng Nhà nước tích trữ được lượng dự trữ ngoại hối cao kỷ lục. Đây là một yếu tố quan trọng trong cân đối thanh khoản và đà rơi sâu của lãi suất VND liên ngân hàng hiện nay.