Một số "ông trùm" giàu có nhất Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các công ty sản xuất xe điện, nhằm thúc đẩy giấc mơ đưa đại lục trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này. Giờ đây, doanh số bán xe điện rơi vào tình trạng trì trệ. Hơn nữa, chính phủ còn cắt giảm trợ cấp cho ngành công nghiệp vốn còn non trẻ.
Điều này khiến các khoản đầu tư của Jack Ma, Pony Ma, Hứa Gia Ấn và Robin Li đối mặt với khả năng sinh lời ngày càng thấp, trong bối cảnh họ đặt cược lớn vào việc xe điện sẽ trở thành loại "điện thoại thông minh được gắn bánh xe" kết nối hành khách với những ngành kinh doanh khác. Số vốn của họ, cùng hàng chục start-up huy động được 18 tỷ USD, đã giúp thổi phồng quả bong bóng xe điện có khả năng sẽ vỡ tung.
Thị trường ô tô ở Trung Quốc đang trải qua tình trạng doanh số bán hàng giảm sút kéo dài, khiến các nhà sản xuất xe điện phải cắt giảm triển vọng lợi nhuận. Khi Trung Quốc đang cân nhắc cắt giảm thêm các khoản trợ cấp cho lượng mua hàng của người tiêu dùng trong ngành này sẽ diễn ra, ngay cả sự nâng đỡ của các tỷ phú cũng không thể cứu giúp được. Động thái này được đưa ra để thúc đẩy các nhà sản xuất buộc phải tự mình cạnh tranh, thì cú "rung lắc" bắt đầu diễn ra.
Hiện tại, Alibaba đã tham gia một số vòng tài trợ cho Guangzhou Xiaopeng Motors Technology (Xpeng Motors), trong đó có một vòng huy động được 2,2 tỷ CNY (313 triệu USD). Xpeng Motors được thành lập bởi nhà đồng sáng lập Alibaba - He Xiaopeng.
Theo số liệu của Bloomberg, Xpeng đã ra mắt chiếc xe đầu tiên là G3 SUV hồi năm ngoái và bán được 11.940 chiếc cho đến năm nay. Công ty này hiện cũng đang hợp tác với các nhà sản xuất có nhiều kinh nghiệm hơn, đó là xây dựng một nhà máy với Haima Automobile - có thể sản xuất được 150.000 chiếc xe điện mỗi năm. Một nhà máy khác sẽ bắt đầu lắp ráp chiếc P7 coupe, dự kiến sẽ giao hàng vào năm tới.
Dẫu vậy, hành trình này lại gây nhiều tranh cãi khi một số kỹ sư làm việc tại Xpeng bị cáo buộc đã ăn cắp tài liệu từ công ty cũ ở Mỹ. Hồi tháng 3, Tesla đã kiện một cựu kỹ sư, cho rằng anh này đã tải lên các tài liệu, thư mục và bản sao mã nguồn tài khoản lưu trữ đám mây cá nhân trước khi rời đi. Ngoài ra, một kỹ sư của Apple cũng bị truy tố vào năm ngoái vì cáo buộc ăn cắp bí mật sản xuất xe tự lái khi chuẩn bị nhận việc ở Xpeng. Công ty này không bị cáo buộc vì hành vi trên.
Mẫu xe G3 của Xpeng.
Hôm 13/11, Xiaomi cho biết công ty đã đầu tư thêm 400 triệu USD vào vòng huy động vốn của Xpeng. Tencent cũng dần đầu vòng đầu tư 1 tỷ USD của NIO vào năm 2017. NIO là một trong số ít các start-up của Trung Quốc sản xuất được nhiều mẫu xe, đã bán được hơn 26.000 chiếc và niêm yết tại New York vào năm ngoái. Tuy nhiên, công ty được mệnh danh là "Tesla của Trung Quốc" đang đối mặt với tình trạng thua lỗ diễn ra triền miên, đi kèm với doanh số sụt giảm, khi rót quá nhiều tiền vào marketing và đầu tư bất động sản.
Một trong những đối thủ "có tiếng tăm" trong ngành này là nhà phát triển bất động sản China Evergrande - tham vọng trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong 3 đến 5 năm. Điều này có nghĩa là họ tự tin sẽ vượt mặt Tesla. Theo Bloomberg Intelligence, từ tháng 9/2018 đến tháng 6/2019, Evergrande đã đầu tư hơn 3,8 tỷ USD vào các công ty có liên quan đến xe điện.
Evergrande dự định mở 10 cơ sở sản xuất và chi 45 tỷ CNY cho các phương tiện sử dụng năng lượng mới từ năm 2019 đến 2021. Tháng 10/11, một đơn vị của tập đoàn này tuyên bố sẽ chi gần 3 tỷ USD để nâng cổ phần trong National Electric Vehicle Sweden (NEVS), từ 68% lên 82%.
Chiếc xe NIO EP9 tại showroom ở Thượng Hải.
Chủ tịch và nhà sáng lập của Evergrande - Hứa Gia Ấn, cho biết các khoản đầu tư vào tham vọng phát triển xe điện và mảng kinh doanh bất động sản không hề có sự "chồng chéo". Ông nói: "Chúng tôi hiện chưa có nhân tài, công nghệ, kinh nghiệm hay cơ sở sản xuất về lĩnh vực xe điện. Vậy làm thế nào để cạnh tranh với các nhà sản xuất khác trên thế giới". Câu trả lời của ông Hứa là: mở toang ví tiền của Evergrande.
Dẫu vậy, chiến lược "liều ăn nhiều" của ông Hứa có thể gây tổn hại của Evergrande vì bản chất đốt tiền mặt của các khoản đầu tư vào start-up xe điện NEV. Theo BI, dự kiến chi 45 tỷ CNY có thể là thiếu cảnh giác và có sẽ khiến cuộc khủng hoảng tiền mặt của công ty này trầm trọng hơn.
Robin Li, CEO và nhà sáng lập của Baidu, đã nắm giữ 13% cổ phần của WM Motor và dẫn đầu vòng gọi vốn 3 tỷ CNY vào năm nay. Năm ngoái, WM đã ra mắt một chiếc SUV điện và giao hơn 19.000 chiếc cho khách hàng. Giám đốc chiến lược, Ruper Mitchell cho biết, đến đến năm nay, WM bán được 14.373 chiếc SUV được vận hàng bằng pin. Tuy nhiên, công ty này vẫn đi sau BYD - được Warren Buffett hậu thuẫn, và NIO. Công ty này còn dự định sẽ mở nhà máy thứ 2 vào năm tới và muốn huy động thêm 1 tỷ USD.
Hồi tháng 9, truyền thông Trung Quốc đưa tin, công ty mẹ của Volvo - Zhejiang Geely Holding Group, đã gửi đơn kiện WM, yêu cầu khoản bồi thường 2,1 tỷ USD vì hãng này vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, WM phủ nhận việc làm này.
Theo Bloomberg