Thống kê của Người Đồng Hành, 18/25 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lãi từ hoạt động dịch vụ trong quý I. Nhóm dẫn đầu là các nhà băng quy mô nhỏ, vị trí thứ nhất thuộc về LienVietPostBank báo lãi từ dịch vụ tăng 174%, từ 35 tỷ đồng lên 96 tỷ đồng, chi tiết không được đề cập trong báo cáo.
Theo sau là NCB ghi nhận lãi mục dịch vụ tăng 144% từ 3,3 tỷ đồng lên 8,2 tỷ đồng nhở các khoản thu khác. MSB cũng đạt tăng trưởng 110%, nhờ mảng dịch vụ thanh toán và dịch vụ khác. Tốc độ tăng trưởng 3 chữ số chủ yếu tại các ngân hàng với lãi thuần từ dịch vụ không quá lớn.
Các vị trí tiếp theo vẫn thuộc về một số nhà băng nhỏ khác như VietBank tăng 96%, PGBank tăng 89%. Hai nhà băng lớn nằm trong top 10 về tăng trưởng là Techcombank và VPBank.
Techcombank lãi 862 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, tăng 73% so với quý I năm trước, chủ yếu đến từ dịch vụ thanh toán và tiền mặt tăng 48% và và nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán hơn tăng gần 3 lần.
Trong khi đó, VPBank báo lãi dịch vụ hơn 695 tỷ đồng, tăng 33%. Thu từ dịch vụ thanh toán và ngân quỹ 247,3 tỷ đồng, cao hơn 62% so với qúy I/2019 với đóng góp từ kinh doanh thẻ, dịch vụ thanh toán. Thu từ dịch vụ bảo hiểm, chiếm tỷ trọng, tăng gần 5%, đạt hơn 641 tỷ đồng.
Tăng trưởng thu nhập dịch vụ ngân hàng trong quý I. Đơn vị: tỷ đồng, %
Một số ngân hàng khác ghi nhận mức tăng phổ biến 10-20%, có thể điểm tới như HDBank (tăng 11%), Sacombank (tăng 12%),VIB (tăng 18%).
Ở nhóm giữa, các ngân hàng lớn không biến động nhiều ở thu nhập dịch vụ. Trong 3 ngân hàng quốc doanh, BIDV đứng đầu tăng trưởng dịch vụ báo lãi cao hơn 24% so với cùng kỳ 2019, đạt 1.086 tỷ đồng, vượt qua VietinBank 1.059 tỷ đồng (tăng 9,3%) và tiệm cận Vietcombank về giá trị 1.127 tỷ đồng (tăng 5%).
Chiều ngược lại, nhiều ngân hàng ghi nhận lãi từ hoạt động dịch vụ quý I thấp hơn cùng kỳ năm trước. BacABank giảm 77%, còn 7,5 tỷ đồng, do thu nhập từ dịch vụ tư vấn giảm từ 33,7 tỷ đồng xuống 109 triệu đồng.
Sau BacABank, TPBank cũng báo lãi dịch vụ thấp hơn 28%, ở mức 157 tỷ đồng, do chi phí dịch vụ tăng 1,3 lần từ hoạt động thanh toán, cước phí bưu điện về mạng viễn thông… Một số ngân hàng khác ghi nhận giảm như SaigonBank giảm 24,5%, ABBank giảm 23%, SHB giảm gần 11%...
Nhìn chung, phần lớn ngân hàng có xu hướng tăng thu nhập ngoài lãi, bao gồm thu nhập dịch vụ nhằm đa dạng hóa nguồn thu, giảm phụ thuộc vào tín dụng. Định hướng này sẽ giúp hệ thống ngân hàng nói chung và từng nhà băng tăng trưởng bền vững hơn, hạn chế rủi ro.
Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng việc tăng trưởng phí sẽ tiếp tục ở mức cao từ 20% đến 25% trong năm 2020 khi các ngân hàng đẩy mạnh thu phí từ dịch vụ thanh toán, bancassurance…
Trong khi đó, VDSC nhận định thu nhập dịch vụ ngày càng tăng mạnh, đóng góp nhiều hơn vào thu nhập hoạt động, nhất là khi xu hướng ngân hàng bán lẻ phát triển mở rộng nguồn thu từ phí giao dịch, bảo lãnh, cùng với các dịch vụ giá trị gia tăng khác như: bảo hiểm, môi giới, bán chéo, thẻ tín dụng và ngân hàng số, thanh toán chứng khoán...
Bancassurance được nhận định sẽ là động lực thúc đẩy chính lãi từ dịch vụ của nhiều ngân hàng với tăng trưởng trung bình 30-50%, theo Giám đốc Phân tích Chứng khoán SSI.
3 năm gần đây, các ngân hàng đang đẩy mạnh kết hợp với công ty bảo hiểm để phân phối độc quyền bảo hiểm, từ đó nhận được khoản phí độc quyền ban đầu và phí hoa hồng. Gần nhất, ACB cho biết đang xem xét tìm đối tác để triển khai, quyết định thời điểm thuận lợi nhất, trong 6 tháng cuối năm nay để chọn một đối tác độc quyền. Vietcombank vừa qua cũng hợp tác với FWD trong phân phối bảo hiểm đocj quyền trong 15 năm.
Tỷ trọng lãi dịch vụ trong tổng thu nhập. Đơn vị: % |
|
Trong quý I, tỷ trọng lãi từ dịch vụ trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng Việt Nam phổ biến 5-10%, một số đơn vị đạt trên 15%. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, mảng dịch vụ cần chiếm tỷ trọng 30-40% tổng thu nhập của ngân hàng. Đây là con số lý tưởng đối với các nhà băng. Nếu đạt được điều này, các ngân hàng sẽ ổn định hoạt động bất chấp ảnh hưởng từ diễn biến tín dụng.