Là doanh nghiệp đứng đầu về ngành công nghiệp lắp ráp ô tô, tuy nhiên Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương trong 2 năm gần đây bắt đầu nổi lên là một “tay chơi” trong lĩnh vực bất động sản khi thâu tóm Công ty Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, doanh nghiệp phát triển Khu đô thị Sala tại Thủ Thiêm, TP HCM, với quy mô khoản đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi bất động sản mới đi những bước đầu tiên của một câu chuyện dài thì lĩnh vực cốt lõi của Thaco đang bộc lộ nhiều điểm thiếu ổn định.
Rót 10.000 tỷ đồng vào Đại Quang Minh
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ kiểm toán năm 2017 của Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco), khoản đầu tư vào Địa ốc Đại Quang Minh ghi nhận đến cuối năm 2017 đạt hơn 10.200 tỷ đồng, tương đương quyền kiểm soát gần 85% tại doanh nghiệp này.
Năm 2011, Thaco đã góp 45% cùng ông Trần Đăng Khoa và CTCP Đầu tư Mai Linh thành lập CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh. Công ty này khi đó có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng và là chủ đầu tư của dự án khu đô thị Sala nằm tại vị trí đắc địa của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, TP HCM.
Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương với quy mô hơn 10.000 tỷ đồng, bằng 1/3 tổng tài sản (Ảnh: IT)
Đến đầu năm 2016, báo cáo của "ông vua ô tô Việt" Trần Bá Dương vẫn ghi nhận Đại Quang Minh là công ty liên kết với giá trị phần vốn góp chỉ hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 7% tổng tài sản. Tuy nhiên đến cuối năm này, tỷ lệ sở hữu của Thaco tại Đại Quang Minh đã được điều chỉnh tăng từ 45% lên 90%, và Đại Quang Minh cũng chuyển thành công ty con của Thaco. Trong khi đó, hai cổ đông sáng lập còn lại là CTCP Đầu tư Mai Linh đã thoái hết 37,5% vốn còn ông Trần Đăng Khoa giảm tỷ lệ sở hữu từ 17,5% xuống còn 5%.
Trong năm 2017, quyền kiểm soát của Thaco tại Đại Quang Minh giảm từ 90% xuống dưới 85% do công ty này phát hành riêng lẻ cho một nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên phần giá trị khoản đầu tư vẫn đạt trên 10.200 tỷ đồng, bằng 1/3 tổng tài sản của doanh nghiệp này (hơn 31.500 tỷ đồng).
Đại Quang Minh từ một khoản đầu tư nhỏ bé đã xuất hiện với vị thế quan trọng trên báo cáo tài chính của Thaco, một doanh nghiệp đi lên từ ngành công nghiệp lắp ráp ô tô.
Theo báo cáo hợp nhất, khoản mục bất động sản dở dang của dự án này tính đến cuối năm 2017 ghi nhận gần 10.621 tỷ đồng, với 3 khu vực chính và 10 dự án thành phần. Giá trị bất động sản đầu tư cho thuê của dự án này đạt gần 574 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm.
Riêng phần chi phí đi vay được vốn hóa liên quan đến dự án này ghi nhận trong năm 2017 đạt hơn 418 tỷ đồng, so với mức 356 tỷ của năm 2016.
Đại Quang Minh cũng bắt đầu ghi nhận thành quả cho Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương khi đạt hơn 4.900 tỷ đồng doanh thu chuyển nhượng căn hộ, nhà phố, nhà thương mại và biệt thự trong năm. Tuy nhiên nếu so với với quy mô doanh thu gần 50.000 tỷ đồng, con số này vẫn còn khá khiên tốn.
Lợi nhuận giảm vì thị trường ô tô biến động
Khi bất động sản mới đi được phần đầu của câu chuyện, báo cáo tài chính kiểm toán công ty Thaco của "ông vua ô tô Việt" Trần Bá Dương đã cho thấy bức tranh hoạt động không mấy sáng sủa của doanh nghiệp đứng đầu về ngành công nghiệp ô tô. Doanh thu và lợi nhuận năm 2017 của Thaco tiếp tục sụt giảm do chính sách giảm giá trong bối cảnh thị trường tiêu thụ biến động theo hướng tiêu cực.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của đơn vị này giảm 16% cùng kỳ, còn 49.650 tỷ đồng.
Trong đó, hoạt động bán xe đóng góp khoảng 42.340 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ áp đảo trong cơ cấu doanh thu nhưng đang có dấu hiệu giảm dần. Các nguồn thu khác như chuyển nhượng bất động sản, bán phụ tùng… lại tăng gấp đôi năm trước, nhưng tỷ trọng quá nhỏ nên gần như không có tác động đáng kể giúp xoay chuyển tình thế.
Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực ô tô của Thaco giảm 16% cùng kỳ (Ảnh: IT)
Sản lượng xe bán ra thị trường giảm nhưng chi phí bán hàng biến động không nhiều, cùng với doanh thu tài chính giảm mạnh do mất đi khoản lợi chênh lệch tỷ giá khiến lợi nhuận ròng của Thaco chỉ đạt 4.898 tỷ đồng, giảm đến 38% (tương đương 3.000 tỷ đồng).
Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty ngay từ đầu năm tại ĐHĐCĐ thường niên, Thaco đang triển khai mục tiêu giảm giá thành sản phẩm trung bình 5% mỗi năm và lũy kế đến năm 2018 là 15% nên các chỉ tiêu kinh doanh được đề ra tương đối khiêm tốn.
Tổng tài sản hợp nhất của Thaco tính đến cuối năm tăng 6.590 tỷ đồng, lên mức 60.537 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm gần phân nửa, nhưng phần lớn là bất động sản dở dang của Bất động sản Đại Quang Minh và ôtô thành phẩm. Tổng nợ phải trả xấp xỉ 33.940 tỷ đồng, tăng mạnh so với thời điểm đầu năm. Phần lớn trong số này là vay ngắn hạn, phải trả người bán.