Chiều 6/2 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã chủ trì phiên họp thứ sáu triển khai nhiệm vụ trong năm 2020.
Một trong những nội dung được thảo luận nhiều nhất tại cuộc họp là tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng ách tắc tại của khẩu của các mặt hàng xuất nhập khẩu, mà nhiều nhất là nông sản đi Trung Quốc và nguyên liệu nhập về cho sản xuất trong nước.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết, đến ngày 5/2, đã có khoảng 50 container thanh long được nhập vào Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) và sáng 6/2 có thêm khoảng 10 container. Tuy nhiên, số đang chờ khoảng 200 container là hàng không đi theo đường chính thức (qua cửa khẩu quốc tế) mà được giao theo phương thức trao đổi tại chợ.
Các thành viên dự họp lo ngại giao thương gặp trắc trở vì dịch corona. |
Tuy nhiên, phải đến 9/2 phía Trung Quốc mới mở lại các chợ, và họ cũng hạn chế tập trung đông người.
Tương tự, tại các khu vực cửa khẩu Lào Cai, Móng Cái cũng có hiện tượng hàng hóa xếp hàng dài vì là trao đổi theo dạng cư dân biên giới chứ không phải đi theo hợp đồng xuất khẩu chính ngạch.
Dù vậy, ông Khánh thừa nhận ngay với hàng chính ngạch cũng gặp khó khăn vì quy định “lái xe nếu đưa hàng sang biên giới thì khi quay về sẽ phải cách ly 14 ngày” theo quy định phòng dịch mà chúng ta đề ra. “Cho nên ngày 6/2, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế có quy trình thống nhất, có biện pháp riêng với lái xe khu vực biên giới, như mặc quần áo bảo hộ chống dịch. Làm sao để đảm bảo chống dịch nhưng không quá mức cần thiết khiến hàng hoá gián đoạn”, ông Khánh nói.
Ngoài ra, ông Khánh cho rằng, nếu không thống nhất với nước bạn về quy trình này thì ngay các lô hàng linh kiện của Samsung nhập về cũng sẽ gặp khó khăn.
Đồng tình vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết virus corana không lây qua hàng hoá, song do chúng ta hướng dẫn chưa chi tiết nên có tình trạng áp dụng cứng nhắc. “Sẽ có cơ chế riêng cho lái xe, người tháp tùng hàng. Khi sang biên giới phải được trang bị đồ bảo hộ, có thể tương tự như nhân viên y tế vào phòng có người bệnh”, ông Cường nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ là không chủ quan với dịch virus corona, thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch nhưng tránh vẫn đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho sản xuất, giao lưu hàng hoá.
“Vừa qua có một số ngành, địa phương nhận thức chưa đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, xử lý một một cách máy móc, đưa ra văn bản không phù hợp với tình hình, quy định của pháp luật trong xuất nhập khẩu. Làm sao chống dịch đảm bảo yêu cầu nhưng nhưng không để ách tắc hàng hoá”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.
Trong khi đó, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội dịch vụ logistics VN, cho biết, theo kêu gọi của Bộ Công Thương, hiệp hội đã đề nghị các doanh nghiệp dành thêm diện tích kho lạnh ở khu vực cửa khẩu lẫn gần nguồn hàng để tăng dự trữ. Cùng với đó, các doanh nghiệp kho lạnh sẽ giảm ít nhất 10-20% chi phí thuê kho trong thời gian chờ giải toả hàng ách tắc.
Phó Thủ tướng đề nghị Hiệp hội Logistics vận động các hội viên, sớm ra thông báo giảm 10-20% chi phí lưu kho bãi, đặc biệt là kho lạnh như đã cam kết với Bộ Công Thương để hỗ trợ các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân.
Hà Duy