Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tham gia ý kiến đối với dự thảo Hợp đồng BOT và bảo lãnh Chính phủ (GGU) của dự án BOT nhà máy nhiệt điện Dung Quất 2.
Về quy định mua lại nhà máy trong trường hợp bất khả kháng tự nhiên kéo dài, tại dự thảo Hợp đồng BOT, Bộ Công Thương viết: Công ty BOT có quyền lựa chọn yêu cầu Bộ Công Thương mua từ công ty BOT tất cả các tài sản được liệt kê (tại ngày thông báo chấm dứt theo Sự kiện bất khả kháng tự nhiên kéo dài) tại Bảng kê tài sản.
Mua lại nhà máy nhiệt điện BOT có thể gây ra những rủi ro cho Chính phủ. Ảnh có tính chất minh họa: L.Bằng
Quy định này dựa trên cơ sở công văn số 1604 ngày 12/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung chủ yếu của Hợp đồng BOT và GGU: “Trường hợp bất khả kháng tự nhiên dẫn đến phía Việt Nam không thể tiếp tục mua điện được và phải chấm dứt sớm hợp đồng BOT, Chính phủ Việt Nam mua lại nhà máy điện với giá mua bằng với giá trị còn lại của nhà máy điện tương ứng với phần vốn vay còn lại và vốn chủ sở hữu chưa thu hồi”.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng: Do sự kiện bất khả kháng tự nhiên kéo dài nằm ngoài khả năng kiểm soát của hai bên là Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư BOT nên việc yêu cầu Chính phủ phải mua lại nhà máy điện trong trường hợp bất khả kháng tự nhiên kéo dài là không hợp lý và không phù hợp theo thông lệ quốc tế.
“Việc mua lại nhà máy điện chỉ bắt buộc đối với Chính phủ Việt Nam trong trường hợp chấm dứt do sự kiện vi phạm của bên Việt Nam”, Bộ Tài chính lưu ý.
Do đó, Bộ Tài chính cho hay Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ công Thương chủ trì, đề xuất sửa đổi văn bản 1604 năm 2011 kể trên. Cho nên đề nghị Bộ Công Thương báo cáo rõ nội dung này với Thủ tướng Chính phủ khi trình sửa đổi công văn 1604, làm căn cứ quy định tại dự thảo Hợp đồng BOT của nhà máy.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng không đồng tình với một số điều khoản bảo lãnh Chính phủ tại dự thảo GGU. Đó là nghĩa vụ thanh toán của Bộ Công Thương, nghĩa vụ thanh toán của EVN, nghĩa vụ của PVN và PVEP trong cung cấp khí…
Việc thực hiện các hợp đồng thương mại là nghĩa vụ của EVN, PVN với công ty BOT nên các bên Việt Nam tham gia hợp đồng phải có trách nhiệm lựa chọn hình thức bảo lãnh thực hiện hợp đồng phù hợp (ví dụ qua các định chế tài chính). Chính phủ không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh này.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng lo ngại việc thực hiện các nghĩa vụ bảo lãnh Chính phủ này “tiềm ẩn rủi ro cao đến tài khóa và nợ công”.