Làm cao tốc Bắc - Nam: Trung Quốc dễ thắng thầu?

16/03/2019 19:04
Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) đã làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và đề xuất tham gia đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Thậm chí nhà đầu tư này đề xuất bỏ tiền làm toàn tuyến. Trong khi đó, Bộ GTVT sẽ đưa ra đấu thầu quốc tế các đoạn tuyến dự án này, còn chuyên gia đề xuất giải pháp khác để chọn được nhà đầu tư tốt.

Ðấu thầu không xong sẽ đấu thầu lại

Theo kế hoạch được duyệt, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, chia thành 11 đoạn. Trong đó có 3 đoạn đầu tư bằng ngân sách nhà nước, 8 đoạn còn lại kêu gọi đầu tư vốn tư nhân theo hình thức PPP. Với 8 đoạn đầu tư theo hình thức PPP, Bộ GTVT đang duyệt hồ sơ mời thầu quốc tế với 21 gói thầu/8 dự án. Dự kiến tháng 4 tới, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế. Sau đó, vào khoảng đầu tháng 7/2019, bộ này sẽ công bố kết quả đấu thầu.

Trao đổi với báo chí trước đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong tháng 4 tới sẽ bàn giao mốc mặt bằng dự án cho các địa phương. Đoạn nào có ít người dân bị ảnh hưởng, phải di dời sẽ tập trung làm trước. Dự kiến, trong năm nay ngân sách bố trí khoảng 7.000/15.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng dự án. Sau quá trình đấu thầu, vào cuối năm 2019 sẽ công bố các nhà đầu tư trúng thầu. “Cao tốc Bắc - Nam là dự án BOT đường bộ đầu tiên đấu thầu quốc tế chọn nhà đầu tư. Hiện có không ít tập đoàn nước ngoài quan tâm tới các dự án giao thông của Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư này đều đặt điều kiện Chính phủ phải bảo lãnh doanh thu, tỷ giá. Vấn đề này chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, đưa ra thảo luận nhiều, nhưng hiện chưa có quyết định”, ông Thể nói. Ông Thể cam kết, các dự án thuộc cao tốc Bắc Nam sẽ đấu thầu quốc tế, đấu thầu lần 1 không tìm được nhà thầu sẽ tiếp tục đấu thầu lại, không chỉ định thầu.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, ít ngày trước, cổng thông tin của Bộ GTVT đăng tải thông tin buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công với Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) Nghiêm Giới Hòa. Tại buổi làm việc này, ông Nghiêm Giới Hòa gợi ý, với Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông của Việt Nam có thể đầu tư theo hình thức EPC hoặc BTO. Với hợp đồng tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công) do một chủ thể thực hiện và chính quyền giám sát. Còn với hợp đồng BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), sẽ gắn trách nhiệm của chủ thể đầu tư trong xây dựng và duy tu.

Theo ông Hòa, mô hình lý tưởng nhất là doanh nghiệp tư nhân đầu tư toàn bộ (hợp đồng EPC), sau này nhà nước mua lại toàn bộ hoặc mua dần từng phần dự án. “Hình thức đầu tư EPC các dự án hạ tầng mà Tập đoàn tham gia là đầu tư vốn và tự thực hiện toàn bộ, từ thiết kế, thi công tới nhân công, vật liệu… Không chia nhỏ dự án, bán thầu để đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án”, ông Hòa cho hay và bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo cách thức đó.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho hay, chủ trương đầu tư các đoạn tuyến Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông với hình thức nào đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và sẽ đấu thầu rộng rãi, minh bạch, không chỉ định thầu. Do đó, trước các đề xuất của Tập đoàn Thái Bình Dương, ông Công cho rằng, cần thời gian thảo luận và nghiên cứu thêm. “Trước mắt, chúng tôi mong tập đoàn sẽ tham gia đấu thầu một số dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sắp đưa ra chào thầu quốc tế”, ông Công nói.

Vì sao doanh nghiệp châu Âu, Nhật khó thắng thầu?

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Hữu Đức (chuyên gia tư vấn dự án giao thông của Tổ chức JICA - Nhật Bản) cho rằng, chọn nhà đầu tư nước nào để làm cao tốc Bắc - Nam không quan trọng, kể cả nhà đầu tư Trung Quốc. Điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng công trình, đúng tiến độ, không đội vốn, không lặp lại trường hợp nhiều dự án có nhà thầu Trung Quốc thời gian qua đều chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém. “Muốn vậy cán bộ và bộ máy của Việt Nam phải đủ năng lực quản lý. Còn nếu không quản lý được, thì nhà đầu tư sẽ làm bậy”, ông Đức nói. Ông dẫn trường hợp dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) do tổng thầu Trung Quốc thực hiện làm ví dụ.

PGS.TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa TPHCM) cũng tỏ ra lo ngại với bức tranh nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vào cao tốc Bắc - Nam. Đặc biệt khi nhà thầu và nhà đầu tư Trung Quốc thường đưa ra giá thấp để trúng thầu, sau đó thi công rồi cố tình trì hoãn tiến độ để yêu cầu tăng vốn gấp 2-3 lần ban đầu. Trong khi chất lượng công trình thường rất kém. Điều này, theo ông Mai, có phần tới từ vấn đề quản lý của Việt Nam, ngoài năng lực còn có chuyện mập mờ, tiếp tay cho nhà thầu.

Về kêu gọi nhà đầu tư quốc tế uy tín từ các nước phát triển (như Nhật Bản, châu Âu) tham gia các dự án BOT giao thông của Việt Nam, theo TS Nguyễn Hữu Đức, sẽ rất khó. Do ở Việt Nam có nhiều rào cản, từ cung cách quản lý, thủ tục phức tạp, tham nhũng, thiếu minh bạch; thường yêu cầu giá rẻ, trong khi các nước phát triển thường làm chất lượng, giá thành cao; tỷ giá chưa ổn định... Với những rào cản này thường chỉ nhà đầu tư Trung Quốc dễ dàng đáp ứng. Từ các phân tích trên, ông Đức cho rằng, với việc đấu thầu quốc tế chọn nhà đầu tư cho 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ có lợi thế.

Đây cũng là lo ngại của TS Phạm Xuân Mai, nên ông Mai hy vọng các cơ quan quản lý đặt ra tiêu chí ràng buộc để hoặc loại nhà thầu năng lực yếu hoặc ngăn chặn các chiêu trò của nhà thầu sau khi trúng thầu. Bắt buộc các nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện theo đúng cam kết hợp đồng do bài học từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các dự án nhiệt điện... vẫn còn đó.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì triển khai ngay công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng; phối hợp địa phương triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng, thông tin tiến độ thường xuyên, định kỳ. Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan trong giải phóng mặt bằng.

Toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 654km (trừ nhiều đoạn đã khai thác), được chia thành 11 đoạn, tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng. Tuyến đường đi qua địa phận 13 tỉnh thành, nối Hà Nội tới Vĩnh Long. Khi các đoạn tuyến hoàn thành sẽ kết nối với 1 số đoạn tuyến cao tốc hiện có, như cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.



Tin mới

Quang Linh Vlogs thôi Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X
57 phút trước
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành quyết định về việc thôi Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X đối với Phạm Quang Linh.
Quang Linh Vlogs và Hằng Du mục bị khởi tố tội danh gì?
1 phút trước
Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam Quang Linh Vlogs và Hằng Du mục liên quan vụ án xảy ra tại Công ty CP Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt.
Tiếc 50.000 đồng phí đặt hộ, nữ du khách "đi tong" cả chục triệu vì lỗi nhỏ khi tự mua vé máy bay
27 phút trước
Chỉ vì muốn tiết kiệm vài chục nghìn đồng khi đặt vé máy bay, một nữ du khách đã phải đối mặt với lỗi sai nghiêm trọng khiến toàn bộ chuyến bay của gia đình 3 người đứng trước nguy cơ bị hủy.
Khởi tố Chủ tịch Công ty Cây xanh Công Minh, song bị can đã bỏ trốn
53 phút trước
Công ty Cây xanh Công Minh đã thực hiện hơn 600 gói thầu trên cả nước, tổng giá trị khoảng hơn 3.500 tỉ đồng, trong đó thanh toán khoảng 3.000 tỉ đồng
'Honda Lead chạy điện' sắp lên kệ ở VN: Chi dưới 7 triệu đã có thể mang xe về, có pin đầy trong phút mốt
33 phút trước
Mẫu xe điện Honda này có màn hình màu, kích thước lên tới 7 inch.

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Bộ Công thương: Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các nội dung sẽ trao đổi với phía Mỹ
2 giờ trước
Chiều 4/4, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ. Lãnh đạo Bộ Công thương đã trả lời về vấn đề Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hoá Việt Nam với mức thuế 46%.
SUV điện Mercedes G 580 về Việt Nam: Giá từ 7,75 tỷ đồng, quay xe 360 độ, chạy 473km/sạc, có cả "hàng hiếm" Edition One
7 giờ trước
Đây là mẫu xe thuần điện đầu tiên của dòng xe huyền thoại G-Class.
Tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’ cảnh báo: Hãy mua vàng hay bất cứ thứ gì không in thêm được, hãy chuẩn bị tinh thần
7 giờ trước
"Tôi không muốn điều này xảy ra nhưng tốt hơn nên chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất thay vì ngồi đó mơ mộng, điều mà phần lớn nhà đầu tư hiện nay đang làm", tác giả Robert Kiyosaki lo ngại.
Loạt SUV chuẩn bị ra mắt tại thị trường Việt Nam
23 giờ trước
TPO - Bước sang quý II, thị trường ô tô Việt Nam dự kiến đón nhiều mẫu SUV mới từ các nhà sản xuất như Honda, Hyundai, Mitsubishi hay Mercedes-Benz, bao gồm cả xe xăng, hybrid và thuần điện.