Những con số khổng lồ dần dần xuất hiện sau thương vụ Masan nhận mảng bán lẻ của Vingroup. Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có những bước đi lớn để làm chủ hệ thống 7 tỷ USD và hướng tới một hệ sinh thái của riêng người Việt.
CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2020 với điểm đáng chú ý: khoản giao dịch trị giá 1 tỷ USD với Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Tháng 6 và tháng 8/2020, Masan đã chi 23,7 nghìn tỷ đồng để mua thêm 14,8% vốn chủ sở hữu của The CrownX từ Tập đoàn Vingroup và tăng tỷ lệ sở hữu lên 84,8%. Trước đó, Masan đã chi nhiều khoản tiền để xây dựng đế chế bán lẻ - tiêu dùng với các DN tự xây dựng, M&A và cả việc tiếp nhận hệ thống Vinmart.
Trong 2020, Masan đã dùng tới 25,2 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để chi cho thương vụ hợp nhất Vincommerce. The CrownX là công ty được Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập để nắm giữ vốn tại CTCP Phát triển và Thương mại Dịch vụ VinCommerce - VCM (công ty chủ sở hữu hệ thống VinMart, VinMart+) và Masan Consumer Holdings (MCH - công ty sở hữu lĩnh vực sản xuất ngành hàng tiêu dùng của Masan).
Với những giao dịch gần nhất, CrownX được định giá 7 tỷ USD, cao hơn so với nhiều tập đoàn như: Hòa Phát (6,7 tỷ USD) của tỷ phú Trần Đình Long, hay cao hơn chính Masan (4,5 tỷ USD). VCM là hệ thống bán lẻ dẫn đầu về số lượng điểm bán tại Việt Nam và hệ thống của người Việt đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài ngay trên đất Việt Nam.
Điều đáng nói, năm đầu tiên về tay tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, hệ thống bán lẻ khổng lồ đã bắt đầu có lãi từ mức lỗ 100 triệu USD khi tiếp nhận. Trong 2020, The CrownX ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 18,1% lên gần 54,3 nghìn tỷ đồng, trở thành công ty kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng số hai về doanh thu trong nước.
Tính tới cuối 2020, VinCommerce chính thức hoàn tất giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển đổi, ghi nhận EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ) dương 0,2% với giá trị tuyệt đối 16 tỷ đồng. Và đây chính là điểm khởi đầu để Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang bước vào giai đoạn mới với tham vọng trở thành tập đoàn tiêu dùng bán lẻ tích hợp online - offline.
Việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ hiện đại đã gia tăng khả năng tiếp cận thị trường của Masan từ mức chỉ chiếm 1% ngân sách tiêu dùng lên mức gần 25%. Tham vọng trong 5 năm tới, Masan tập trung xây dựng nền tảng Point of Life (POL) thông qua việc hiện đại hóa kênh bán lẻ truyền thống, đẩy mạnh thương mại tích hợp từ offline đến online (O2O) giữa bán lẻ hiện đại và các nền tảng thương mại điện tử, đồng thời thúc đẩy các dịch vụ tài chính trên khắp Việt Nam,
Masan đặt mục tiêu phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng trên một nền tảng “tất cả trong một” (one-stop), đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày với bán lẻ (VCM) hàng tiêu dùng (MCH), thịt (MML) và dịch vụ tài chính (Techcombank)... tích hợp trong mô hình “Point of Life”
Trong thời gian vài tháng cuối 2020 và đầu 2021, cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang tăng gần gấp đôi có lúc lên tới 95.000-100.000 đồng/cp. Đây là diễn biến ít ai ngờ tới và nó giúp ông Nguyễn Đăng Quang nhanh chóng trở lại danh sách tỷ phú USD của thế giới. Tài sản của ông Quang tăng thêm hàng trăm triệu USD trong một thời gian ngắn và các cổ đông khác cũng có thêm khoảng 2 tỷ USD.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang dồn lực vào mảng bán lẻ, cạnh tranh với các "ông lớn" ngoại. |
The CrownX đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 8 tỷ USD vào năm 2025, trong đó, Masan Consumer đóng góp 3 tỷ USD và VinCommerce đóng góp 5 tỷ USD. Đối với kế hoạch tài chính năm 2021, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 92.000 đến 102.000 tỷ đồng (tăng trưởng từ 19% đến 32% so với năm 2020), Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Công ty đạt từ 2.500 đến 4.000 tỷ đồng (tăng trưởng 103% đến 224% so với năm 2020).
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index đứng trên ngưỡng 1.190 điểm.
Theo MBS, thị trường đã bước vào sóng tăng mới nhờ sự hỗ trợ của thanh khoản và sự đồng thuận của các nhóm cổ phiếu lớn bên cạnh các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã vượt đường trung bình MA20, mức đóng cửa hôm nay cũng đã vượt qua mức cản mạnh tại 1.180 điểm. Các tín hiệu kỹ thuật cùng đà tăng của chứng khoán thế giới sẽ tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng của thị trường, thị trường sẽ có sự thử thách ở mức đỉnh 1.200 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/3, chỉ số VN-Index tăng 10,68 điểm lên 1.186,36 điểm; HNX-Index tăng 4,98 điểm lên 281,14 điểm. Upcom-Index tăng 0,11 điểm lên 80,63 điểm. Thanh khoản đạt 21,2 nghìn tỷ đồng.
V. Hà