Để có thông tin phục vụ công tác kiểm tra và xử lý, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị TP.Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm khẩn trương báo cáo các nội dung liên quan đến việc hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa.
Ngày 7/12, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hoả tốc đề nghị UBND TP.Bảo Lộc và UBND huyện Bảo Lâm về việc tổng hợp, báo cáo các nội dung liên quan đến việc hiến đất làm đường giao thông mới và tách thửa trên địa bàn.
TP.Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm là hai “điểm nóng” về tình trạng phân lô tách thửa dưới hình thức hiến đất làm đường và quảng cáo dự án bất động sản bát nháo của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua.
Khu đất được phân lô bán nền dưới hình thức hiến đất làm đường ở Lâm Đồng |
Để có thông tin phục vụ công tác kiểm tra và xử lý, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND TP.Bảo Lộc và UBND huyện Bảo Lâm khẩn trương tổng hợp, báo cáo các nội dung liên quan đến việc hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn từ năm 2018 đến nay.
UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị hai địa phương nói trên nêu rõ và chi tiết từng thửa đất hoặc khu đất theo các nội dung: Chủ sử dụng đất tách thửa; địa chỉ thửa đất hoặc khu đất tách thửa; diện tích thửa đất hoặc khu đất đề nghị tách thửa;
Diện tích đất hiến hoặc đất trả lại làm đường giao thông mới; diện tích, chiều rộng, dài của đường hiện trạng giáp thửa đất hoặc khu đất đề nghị tách thửa; số thửa đất mới sau khi tách thửa;
Diện tích tối thiểu, tối đa của thửa đất mới tách; quy hoạch sử dụng đất; thời điểm giải quyết đề nghị tách thửa; cơ quan cho phép tách thửa, hiến đất làm đường;
Hiện trạng sử dụng của thửa đất sau khi tách thửa; hiện trạng sử dụng của đường giao thông mới; đã hoàn thành đầu tư hạ tầng dùng chung hay chưa?; tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước…
Trước đó, ngày 2/12, ông Đoàn Kim Đình – Chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc cho biết, trên địa bàn chỉ có 6 dự án được cấp có thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư. Những dự án này đã và đang triển khai theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, tại TP.Bảo Lộc có 9 khu vực người dân xin hiến đất làm đường giao thông, thực hiện thủ tục tách, hợp thửa. Những trường hợp này xảy ra trước ngày 31/12/2020, từ đó đến nay không phát sinh thêm trường hợp nào.
Cụ thể, một khu vực có diện tích 36ha tại thôn 14, xã ĐamB’ri thuộc quyền sử dụng đất của 4 hộ gia đình, cá nhân sử dụng do chuyển quyền sử dụng đất năm 2020.
Cũng tại xã ĐamB’ri, TP.Bảo Lộc, có một khu đất nông nghiệp có diện tích gần 10ha, thuộc quyền sử dụng đất của ông N.N.A.T.
Đối với các trường hợp diện tích từ 2ha – 5ha, tại TP.Bảo Lộc có 7 khu vực người dân xin hiến đất làm đường giao thông, thực hiện thủ tục tách, hợp thửa. Còn lại là các trường hợp tách thửa dưới 2ha của hộ gia đình, cá nhân, hiến tặng quyền sử dụng đất, tách thửa.
Từ năm 2015 đến nay, tổng số diện tích liên quan đến tách thửa của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP.Bảo Lộc là khoảng 100ha.
Theo Chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc, đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự đăng tin, quảng cáo dự án nhằm bán bất động sản, địa phương đã báo cáo và được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh xử lý theo quy định.
Tại huyện Bảo Lâm, tình trạng san gạt đồi chè và cà phê để phân lô bán nền cũng diễn ra khá rầm rộ. Nổi cộm là khu đất 41ha trên trục đường Tản Đà, xã Lộc Quảng. Khu đất này được quảng bá là “dự án” Sun Valley do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Khải Hưng phát triển.
Trong 41ha của “dự án” Sun Valley thì chỉ có 3.709m2 (có 1.400m2 đất ở) thuộc xã ĐamB’ri, TP.Bảo Lộc. UBND TP.Bảo Lộc cho biết, theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP.Bảo Lộc thì phần đất này thuộc quy hoạch đất ở. Việc hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình trên đất ở nông thôn thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Trong một diễn biến liên quan, cuối tháng 11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh phối hợp xác minh thông tin 14 khu đất tại P.Lộc Phát và xã ĐamB'ri, TP.Bảo Lộc có dấu hiệu sai phạm trong việc hiến đất làm đường, phân lô tách thửa.
Anh Phương