Ngày 11/2, ông Phạm Phi Long – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết, hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chiều hướng giảm, đặc biệt đã có huyện Lâm Hà công bố hết dịch.
Ông Long cho biết thêm, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Lâm Đồng từ ngày 21/6/2019 làm gần 67.000 con lợn mắc bệnh, đã tiêu hủy hơn 66.550 con. Đến nay, tín hiệu đáng mừng là đã có huyện Lâm Hà công bố hết dịch tả lợn châu Phi và nhiều huyện đã qua 30 ngày không có lợn mắc bệnh. Bên cạnh đó, Lâm Đồng là một trong những địa phương có tốc độ tái đàn lợn nhanh, chủ yếu trong các doanh nghiệp lớn và các trang trại đảm bảo an toàn sinh học, chưa xảy ra dịch.
Đến nay, huyện Lâm Hà đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi.
“Hiện chúng tôi đã thẩm định tại huyện Cát Tiên để địa phương này công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, dựa vào tình hình thực tế, huyện Cát Tiên chỉ có thể công bố 9/10 xã hết dịch. Ngoài ra còn Bảo Lâm, Di Linh, Bảo Lộc thì đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh, thế nhưng họ vẫn chưa công bố hết dịch. Điều này cũng dễ hiểu vì bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh rất nguy hiểm đối với lợn, vi rút dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại rất lâu ở môi trường và trong các sản phẩm lợn nên các địa phương sẽ thận trọng hơn trong việc công bố hết dịch, tránh dịch tái bùng phát trở lại”, ông Long thông tin.
Hiện, Lâm Đồng có nhiều huyện đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo Sở NN PTNT tỉnh Lâm Đồng, nếu không kiểm soát tốt có thể sẽ phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi mới và tái phát ổ dịch cũ vì đường lây truyền của bệnh dịch tả lợn châu Phi rất phức tạp, hiện nay chưa có thuốc điều trị và vắc xin thương mại để phòng bệnh...
Hơn nữa, theo sở này, giá lợn hơi trên thị trường tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao (khoảng 80.000 đồng/kg), áp lực tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi chưa xuất hiện dịch cũng như nhu cầu tái đàn của người dân tăng cao. Các địa phương có tập quán chăn nuôi lợn nhỏ lẻ nhiều, khó áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng dịch.